Thông tư 02/2013/TT-NHNN với những ảnh hưởng làm tăng trích lập dự phòng rủi ro, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6 tới, mặc dù một số điểm được lùi thời hạn thi hành theo Thông tư 09/2013/TT-NHNN.
Quá trình áp dụng Basel II tại Việt Nam
Trên thực tế, Basel II được công bố lần đầu vào tháng 6/2004, nhưng đến năm 2008 mới bắt đầu được áp dụng tại Mỹ, EU, các nước phát triển khác và một vài nước đang phát triển. Đây cũng là thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu lan rộng, nên tiến độ áp dụng Basel II không tránh khỏi sự chậm trễ.
Dù không nằm trong danh sách các quốc gia thành viên của Ủy ban Basel về giám sát NH, tức là không chịu áp lực phải vận dụng các quy định của tổ chức này, nhưng một số chuyên gia NH cho rằng, việc hướng đến các chuẩn mực từ Basel cần thiết đối với hệ thống NH Việt Nam. TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận: việc tuân thủ tiêu chuẩn của Basel sẽ giúp hoạt động của hệ thống NH Việt Nam ngày càng lành mạnh, an toàn hơn. Nhất là trước những biến động trên thế giới đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi, đẩy nhanh công cuộc cải cách hơn nữa để bắt nhịp thị trường tài chính.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn ngân hàng thương mại (NHTM) mới chỉ dừng lại ở các tiêu chuẩn của Basel I, trong khi nhiều NHTM đã tiếp cận nhiều tiêu chí của Basel II. Thừa nhận sự hiểu biết về nguyên tắc, tiêu chuẩn tại Basel II là cần thiết để xây dựng quy trình, quy tắc quản trị rủi ro cho mỗi NH. Nhưng lãnh đạo một NHTM cho rằng, yêu cầu của Basel II khá cao nên việc áp dụng nguyên bản rất khó.
Theo nhiều chuyên gia, đây là bước đi phù hợp với hệ thống ngân hàng Việt Nam lúc này. Thực tế, Việt Nam không phải là đối tượng điều chỉnh của Basel nên có thể tiếp cận theo cách thức riêng của Việt Nam. Tức là không nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Basel I rồi mới đến Basel II. Mà những tiêu chí nào của Basel II, thậm chí Basel III có thể đáp ứng được thì chúng ta áp dụng.
Techcombank là 1 trong 10 ngân hàng được chọn áp dụng Basel ở mức cao.
Basel II – thách thức chờ đợi
Lợi ích của việc thực hiện Basel II đều được các lãnh đạo ngân hàng thừa nhận: nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu. Quy trình tiếp xúc, theo dõi, quản lý khách hàng sẽ được hỗ trợ bởi các công cụ đo lường, giám sát rủi ro có khả năng phân biệt khách hàng tốt/xấu cao. Basel II không chỉ yêu cầu quản lý rủi ro tín dụng cho từng khoản vay riêng lẻ, mà còn có khả năng lượng hóa rủi ro trên cấp độ danh mục. Ngoài ra, các yêu cầu về quản lý rủi ro hoạt động sẽ giúp giảm thiểu rủi ro do quy trình, con người, hệ thống công nghệ và các sự kiện bên ngoài.
Là một trong 10 ngân hàng được NHNN lựa chọn thực hiện Basel II ở mức cao, ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Techcombank, chia sẻ: “Đối với các NHTM Việt Nam nói chung, nội dung Basel II là hoàn toàn mới mẻ. Bên cạnh đó, triển khai Basel II là công việc đồ sộ trong thời gian 5 - 7 năm, liên quan đến toàn ngân hàng, đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư và chỉ đạo sát sao của HĐQT và ban điều hành, sự hiểu rõ lợi ích và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận”.
Dù khó nhưng theo thời gian các NHTM cần tự nâng chuẩn mực từ quản trị rủi ro, thanh khoản, an toàn vốn… để khi hệ thống NH mở cửa hoàn toàn hội nhập với thế giới có thể đáp ứng được chuẩn mực quốc tế mà quan trọng hơn tiếp tục tồn tại và phát triển được. Như tại VIB đã áp dụng mô mình quản trị của NH Commonwealth Bank of Australia (CBA) và IFC hơn 2 năm nay. Nếu áp dụng Basel II cũng không có vấn đề gì. Ví dụ như hệ số CAR của NH này là 18% trong khi quy định chỉ 9%..
Theo khảo sát mới đây của KPMG, hai khó khăn chung được các NHTM nhắc đến nhiều nhất khi triển khai áp dụng Basel II là chi phí triển khai (85% ý kiến khảo sát) và thiếu dữ liệu lịch sử (78% ý kiến khảo sát). Do vậy, thời gian tới cần nâng cao vai trò của CIC và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập. Theo đó, việc cung cấp thông tin khách hàng nhanh chóng, chuẩn xác và đồng thời sớm phát hiện, cảnh báo, giúp các NHTM có thêm cơ sở pháp lý quan trọng để đưa ra các quyết định tín dụng chính xác, hạn chế rủi ro phát sinh từ các hợp đồng đề nghị cấp vốn.
Khi ngân hàng muốn hoạt động trên thị trường quốc tế, tuân thủ Basel II sẽ là điều không thể thiếu. Các nhà đầu tư quốc tế, khách hàng ở các thị trường khác sẽ coi đây là các tiêu chí cơ bản trong hoạt động quản lý rủi ro của ngân hàng để quyết định đầu tư, gửi tiền…
Cơ quan quản lí nhà nước nắm thế chủ đạo
Theo nhận định của ông Trương Anh Hùng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, phụ trách Khối Dịch vụ Tài chính, xét trên cả thực trạng của hệ thống ngân hàng cũng như các biện pháp đã và đang được cơ quan quản lý nhà nước giám sát hoạt động, có thể thấy rõ sự ưu tiên nhất định cho các tiêu chuẩn an toàn hoạt động và quản trị rủi ro của ngân hàng. Điều này cũng được thể hiện rõ trong các khuyến cáo cũng như yêu cầu và quy định của NHNN trong thời gian vừa qua.
Trong bối cảnh hiện nay, để các ngân hàng có một định hướng thống nhất, NHNN cần thông báo về định hướng chung để các ngân hàng được biết. Sau đó, trong quá trình triển khai, một nhóm làm việc bao gồm các thành viên của NHNN và đại diện của các ngân hàng phải được thành lập để trao đổi về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai. Và như vậy, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải được nâng cao hơn.
Mới đây, NHNN cho biết, trong kế hoạch hành động thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD, cơ quan này đã phê duyệt chủ trương triển khai việc áp dụng Basel II theo 2 giai đoạn (giai đoạn 1 từ 2013 – 2015 và giai đoạn 2 từ 2016 – 2018). TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lộ trình đến năm 2018 để các NHTM Việt Nam áp dụng Basel II là khá rộng rãi và cũng là thời điểm thích hợp. Có thể theo cách riêng hay chung, nhưng hệ thống NH cần đẩy nhanh tiến trình cải cách hơn nữa. Vì các nền kinh tế quốc gia trong khu vực đã đẩy mạnh công cuộc cải cách tài chính như Thái Lan, Singapore đang tiếp cận một phần Basel III…
Nhưng theo TS. Hiếu, điều kiện tiên quyết thực hiện Basel là hệ thống báo cáo tài chính NH phải chuẩn mực, phải được các công ty kiểm toán độc lập có uy tín thẩm định, thậm chí NHNN có thể chỉ định những công ty này. Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng, NHNN nên thay đổi phương pháp giám sát. Hiện tại NHNN mới chỉ giám sát trên cơ sở tuân thủ pháp luật nói chung mà chưa thanh tra rủi ro cụ thể. Cuối cùng cần phải thực hiện việc xếp hạng NH như các nước trên thế giới.
Diệu Hoa (Tổng hợp)