Hôm nay Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2015. Trong cuộc họp lần này vấn đề nổi cộm nhất có thể nói tới đó là việc đưa VIB lên niêm yết trên sàn chứng khoán.
Có vẻ như các cổ đông của VIB khá sốt ruột về tiến độ của kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán của ngân hàng này.
Tuy nhiên đáp lại sự mong ngóng này của cổ đông, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết hiện tại ngân hàng chưa thể thực hiện niêm yết trên sàn sớm nhất cũng phải đến 2016, VIB mới triển khai được kế hoạch này.
ĐHCĐ thường niên năm 2015 Ngân hàng VIB.
Cụ thể theo ông Vũ muốn lên niêm yết trên thị trường đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trong khi đó hiện VIB vẫn còn rất nhiều công việc phải làm trước mắt như mở rộng chi nhánh, phát triển sản phẩm, đảm bảo đạt các mục tiêu kinh doanh đề ra… do vậy trong năm nay vẫn chưa thể thực hiện “lên sàn” ngay được.
Giải thích thêm về vấn đề này Chủ tịch HĐQT - Đặng Khắc Vỹ đã bổ sung thêm rằng, việc niêm yết trên TTCK là quan trọng tuy nhiên việc chọn thời điểm niêm yết còn quan trọng hơn. Khi niêm yết rồi kết quả kinh doanh phải bền vững và muốn làm được như vậy thì VIB còn phải nỗ lực rất nhiều.
"Phải làm sao để VIB niêm yết một cách có trách nhiệm nhất, để có lợi nhất cho cổ đông. Khi nào ngân hàng cảm thấy đã đủ sức về hạ tầng, đủ sức tiêu thụ lượng vốn lớn huy động qua thị trường chứng khoán để đầu tư cho đồng vốn của cổ đông hiệu quả nhất thì mới là thời điểm thích hợp". – ông Vĩ nói.
Đồng tình với ý kiến này của VIB, đại diện cổ đông chiến lược - Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA), ông Graham Putt cũng cho rằng VIB cần phải lựa chọn thời điểm niêm yết sao cho phù hợp nhất.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã rất nhiều lần gửi văn bản đôn đốc các ngân hàng thương mại thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán nhằm tăng cường kiểm soát và bóc tách dần tình trạng sở hữu chéo. Tuy nhiên cho tới nay mới chỉ 10 ngân hàng đang thực hiện niêm yết cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các ngân hàng này đa phần đều là các ngân hàng lớn như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, Eximbank, Sacombank, MBbank, SHB… Đa số các ngân hàng còn lại đều đang “ngại” lên sàn, lý do mà các ngân hàng đưa ra cũng giống như VIB, họ cần có thời gian chuẩn bị nội lực tốt, tăng năng năng lực tài chính…
Theo các chuyên gia cho rằng việc ngân hàng niêm yết cổ phiếu trong bối cảnh hiện nay là khá bất lợi, do thị trường còn nhiều khó khăn. Do vậy việc hối thúc niêm yết cổ phiếu trên sàn là cần thiết, nhưng không dễ thực hiện trong năm 2015 này.
Ngọc Anh (TH theo ĐTCK; VnExpress; Bao Dautu)