Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, trong vòng 5 tháng đầu năm 2015, cơ quan này đã huy động được 72,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó kỳ hạn 5 năm chiếm 57,91%, kỳ hạn 10 năm chiếm 15,32%, kỳ hạn 15 năm chiếm 26,77%. Kỳ hạn vay trung bình năm 2015 đến thời điểm 29/5/2015 là 8,44 năm.
Nếu như đem so với con số 250.000 tỷ đồng kế hoạch phát hành trái phiếu được ấn định cho năm nay, thì Bộ Tài chính chỉ mới ‘về đích” được khoảng 29,17%.
Diễn biến này khiến việc huy động trái phiếu năm nay không dễ dàng như gần ba năm qua mà nó trở thành một nhiệm vụ hết sức khó khăn cho Bộ Tài chính. Đặc biệt, trong năm 2015, lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 150.000 tỷ đồng, gần gấp đôi lượng trái phiếu đáo hạn năm trước là hơn 83.000 tỷ đồng. Thậm chí nhiều người còn cho rằng kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ cho cả năm 2015 sẽ khó có thể thành công.
Vì sao trái phiếu Chính phủ bị “ế” trong thời gian qua?
Theo HSBC đánh giá, một trong những nguyên nhân chính khiến cho trái phiếu Chính phủ bị “ế” đó là do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Nghị quyết 78. Cụ thể nghị định này có quy định Bộ Tài chính chỉ có thể phát hành trái phiếu có thời hạn bằng hoặc dài hơn 5 năm.
Bởi thường giới đầu tư quan tâm nhiều tới trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn dưới 5 năm, do họ quan niệm những trái phiếu này đảm bảo tốt hơn danh mục đầu tư.
Thêm vào đó, thị trường trái phiếu Chính phủ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Thông tư 36 vừa được ban hành trong đó có một số quy định khiến các Ngân hàng thương mại chỉ được đầu tư trái phiếu Chính Phủ trong giới hạn cho phép.
Ngoài ra, một lý do quan trọng gây căng thẳng cho thị trường trái phiếu chính là tỷ giá. Trong thời gian gần đây, tỷ giá liên tục biến động do đó giới đầu tư tiếp tục ngóng về các động thái có thể xảy ra với tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ.
Minh Quân (Th theo Trí thức trẻ; Saigon Times)