Nếu so với năm 2013 thì điều kiện tiếp cận với nguồn vốn khu vực năm 2014 là không thay đổi. Đây là ý kiến của 44% doanh nghiệp trong số trên 8.100 doanh nghiệp được chọn làm mẫu hiện đang hoạt động kinh doanh trên thị trường. Còn lại thì có đến 30% số DN đánh giá điều kiện sẽ tốt hơn và chỉ có 12% số DN đánh giá điều kiện tiếp cận kém đi.
Tính đến thời điểm tháng 3/2014, trong số 49.5% các doanh nghiệp hiện đang sử hữu vốn vay thì tỷ lệ vay vốn từ các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tỷ lệ đa số 63.6%. Còn lại là vay từ các nguồn ngân hàng ngoài nhà nước vay từ cá nhân, bạn bè, người thân cùng với tỷ lệ 29.6%, nguồn vay từ ngân hàng FDI chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 5.9% và từ nguồn khác (như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thành lập công ty đại chúng/IPO, thuê mua,…) là 4.7%.
Con số trên phản ánh khá sát xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014 khi kết quả điều tra cũng cho thấy có tới 60,8% doanh nghiệp sẽ giữ nguyên qui mô vốn như năm 2013; 33% số doanh nghiệp dự kiến tăng qui mô vốn và chỉ có 6,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm. Trong xu hướng giảm thì việc cắt giảm lao động thì chỉ có 10% số doanh nghiệp dự kiến sa thải nhân công, giảm so với mức 25% của năm ngoái. Mặc dù không mở rộng quy mô nhưng có tới 71,6% số doanh nghiệp dự kiến tăng doanh thu năm 2014 so với năm 2013, 75,1% số doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận trước thuế cao hơn năm trước, chỉ có 5,8% số doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận năm 2014 bằng năm 2013 và 19,1% doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận giảm.
Nguyên nhân của việc các doanh nghiệp “chê tiền” của các ngân hàng xuất phát từ nhiều yếu tố. Trong đó theo đa số các doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết họ không vay vốn để sản xuất kinh doanh chủ yếu do không có nhu cầu, thủ tục phức tạp, không đủ tài sản thế chấp, lãi suất cao và doanh nghiệp có thể huy động từ nguồn vốn khác...
Hiện tại hơn 60% các doanh nghiệp không có ý định mở rộng quy mô kinh doanh đã dẫn tới hơn 50% các doanh nghiệp không có nhu cầu vay thêm vốn. Điều này phản ánh tâm lý còn e ngại của các doanh nghiệp và nhà đầu tư về những diễn biến bất ổn trên thị trường và tình hình căng thẳng trên biển Đông. Đây là những bước đi thận trọng của các nhà đầu từ để hạn chể rủi ro.
Việc có tới 50,5 % doanh nghiệp không chịu vay vốn đang trở thành một thách thức lớn của ngành ngân hàng hiện nay. Đa số các ngân hàng hiện nay đều đang ứ đọng vốn và không ngừng gia tăng các gói tín dụng để kích thích vay vốn nhằm đạt tăng trưởng tín dụng. Vì vậy mới có chuyện ngân hàng không chịu ngồi yên mà đã cử đội ngũ nhân viên đến tận nơi để tiếp cận doanh nghiệp, chào mời vay vốn.
Theo Tổng cục Thống kê đánh giá, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2012, 2013 và dự kiến 2014 cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản (lao động, vốn, doanh thu, xuất khẩu, lợi nhuận và các điều kiện khác của kinh tế vĩ mô) theo đánh giá của DN dần tốt lên mặc dù còn nhiều khó khăn do vẫn còn bị ảnh hưởng của thời kỳ suy giảm kinh tế trong nước và quốc tế.
Chu Quỳnh (TH)