Sau loạt bài "Vạch trần chân tướng trùm tín dụng đen ở TP. Hải Dương" và bài "Về vụ chuyện nhượng trái pháp luật lô đất 03 tại TP. Hải Dương", mãi đến thời gian gần đây (Ngày 1-4-2015); Báo Kinh doanh & Pháp luật mới nhận được văn bản số: 258/UBND-VP ngày 1-4-2015 của Ủy ban nhân dân TP. Hải Dương do ông Trần Hồ Đăng, Phó Chủ tịch ký. Kèm theo văn bản này là bản báo cáo số 06/UBND-TNMT ngày 3-12-2014 của UBND TP. Hải Dương gửi UBND tỉnh Hải Dương "Về việc rà soát, kiểm tra, làm rõ việc chuyển mục đích sử dụng 2397m2 đất 03 thành đất ở cho bà Phạm Thị Hương.
Qua nội dung của 2 văn bản này, nếu như người ngoài cuộc, từ đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến người dân bình thường chỉ cần đọc qua đều có thể cùng chung một cảm nhận: UBND TP. Hải Dương, chính quyền phường Bình Hàn và các ngành chức năng ở thành phố đều làm đúng quy trình, có thẩm định, xác minh và kiểm tra tài liệu, thực địa... Nhưng rất tiếc phía sau 2 văn bản này xem ra còn nhiều điều cần phải làm rõ và xác định trách nhiệm về những hành vi sai trái thuộc về ai?

Văn bản của UBND Tp. Hải Dương về vụ việc
Tại văn bản thứ nhất số 258/UBND-VP về việc kiểm tra trật tự xây dựng theo phản ánh của Báo Kinh doanh & Pháp luật đề ngày 1-4-2015 do ông Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Dương Trần Hồ Đăng ký; trong đó có nêu:
"UBND thành phố đã kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với hộ ông Lê Anh Tuấn thi công xây dựng công trình không giấy phép xây dựng tại khu đường Hồng Quang (kéo dài), khu 10 phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương. Cụ thể:
Ngày 28/01/2015 hộ ông Lê Anh Tuấn (chủ đầu tư xây dựng công trình) tiến hành thi công xây dựng móng công trình tạm (bằng gạch ba banh) có độ cao móng là 30cm với diện tích công trình là: (24,8m x 6,0m), (4,1m x 6,1m), (10,6m x 6,9m), (7,0m x 10,0m), (9,0m x 6,5m), (20,0m x 6,0m), trên khu đất mang tên ông Nguyễn Duy Cường (theo Giấy CNQSD đất số H00244 do UBND thành phố Hải Dương cấp ngày 07/12/2007, khu đất này ông Cường nhận cho tặng QSD đất từ bà Phạm Thị Hương tháng 7/2007) tại đường Hồng Quang (kéo dài), khu 10, phường Bình Hàn; Không có giấy phép xây dựng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Đội Kiểm tra quy tắc quản lý đô thị thành phố phối hợp với UBND phường Bình Hàn tiến hành kiểm tra lập biên bản vi phạm và có biện pháp ngăn chặn như ban hành Quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, đề nghị cơ quan cung cấp dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp điện, nước (Quyết định đình chỉ thi công số 19?QĐ-UBND ngày 28/01/2015 của UBND phường Bình Hàn). Qua theo dõi hộ ông Lê Anh Tuấn chấp hành dừng thi công xây dựng công trình. Thực tế kiểm tra xác định hiện nay công trình vẫn dừng ở phần móng, không có thợ thi công xây dựng; trong khu đất có trồng một số loại cây gồm: có 02 cây đại, 02 cây khế, 02 cây xoài, 01 cây thông
Hiện nay UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng và UBND phường Bình Hàn tập trung kiểm tra giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định
Sự thật có đúng như những gì đã nêu trong văn bản của UBND TP. Hải Dương không?
Xin thưa! Cách nay ít ngày; 10 giờ sáng ngày 18-3-2015, nhóm phóng viên Báo Kinh doanh & Pháp luật đã có mặt tại lô đất này và tận mắt chứng kiến, chụp được những bức ảnh về một nhóm thợ khoảng gần chục người đang lao động và họ huy động cả chiếc máy xúc đến hoạt động, chứ không phải như văn bản 258/UBND-VP của UBND TP. Hải Dương nêu rằng "Qua theo dõi hộ ông Lê Anh Tuấn chấp hành dừng thi công xây dựng công trình". Vậy sự thật sai phạm này thuộc về ai? Nên chăng cần làm rõ và quy trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức ở địa phương. Nên nhớ lô đất 03 này trong hồ sơ chuyển nhượng mang tên bà Phạm Thị Hương, nhưng không hiểu sao trong biên bản xử lý sai phạm lại mang tên Lê Anh Tuấn?
Tại văn bản thứ 2 mà UBND TP gửi UBND tỉnh Hải Dương, gửi kèm cho Báo Kinh doanh & Pháp luật về việc rà soát, kiểm tra, làm rõ việc chuyển mục đích sử dụng 2397m2 đất 03 thành đất ở cho bà trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương. Về việc này, qua điều tra, căn cứ vào hồ sơ tài liệu mà chúng tôi đang nắm giữ cho thấy có quá nhiều khuất tất trong quá trình hợp thức hóa hồ sơ chuyển nhượng. Các khuất tất ấy, nhóm phóng viên Báo Kinh doanh & Pháp luật đã phản ánh trên mặt báo đề nghị chính quyền thành phố và tỉnh Hải Dương chỉ đạo kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm mình theo tinh thần Nghị quyết TW4.
Song đọc qua bản báo cáo số 966/UBND-TNMT ngày 3-12-2014 của UBND TP. Hải Dương gửi UBND tỉnh Hải Dương thì thật thất vọng; bởi văn bản này, ngay tại trang 1 đã nêu: "Các thửa đất và Hương nhận chuyển nhượng của bà Lan thuộc khu đất nông nghiệp giao 03, nằm xen kẽ giữa quốc lộ 5 và Hồ Ga Hải Dương. Sau khi Nhà nước xây dựng quốc lộ 5 và cùng với việc đô thị hóa nên khu vực đất nông nghiệp trên bị cô lập, điều kiện tưới tiêu không thuận lợi".
Chỉ dừng lại chi tiết này, dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi: Tại sao một lô đất 03 nằm ở vị trí vị trí vàng thế mà chính quyền thành phố không nghĩ đến việc tổ chức đấu thầu để đầu tư xây dựng một công trình phúc lợi công cộng như công viên, trường học, chung cư cho các hộ nghèo, gia đình chính sách đang gặp khó khăn về nhà ở như rất nhiều địa phương đã và đang làm đem lại niềm tin, phấn khởi cho các tầng lớp nhân dân địa phương mà lại dễ dàng chuyển đổi, hợp thức hóa thành đất ở cho bà Phạm Thị Hương - Người mà người dân TP. Hải Dương từ lâu đã vạch mặt, chỉ tên là trùm tín dụng đen, đẩy bao người đến cảnh cùng cực?
Lại nữa, không đâu xa, ngay tại TP. Hải Dương ngay tại khu 12 phường Bình Hàn, TP. Hải Dương có 41 hộ dân ở đây; trong đó có cả các sỹ quan cấp Trung tá, Đại tá quân đội, công an... đã bỏ ra một số tiền lớn để mua các lô đất trong diện thành phố phân từ những năm cuối thập niên 90, song đến nay, qua 18 năm, minh bạch và rõ ràng vậy mà vẫn chưa được cấp sổ đỏ khiến họ phải đội đơn đi kêu kiện, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Cũng tại TP. Hải Dương, vợ chồng Nhà giáo Trịnh Việt Dũng nay đã ngoài 70 tuổi, con trại của Liệt sĩ chống Pháp Trịnh Việt Đăng. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thanh Vân cũng là một nhà giáo về hưu, tại buổi tiếp xúc với Ban Biên tập, vợ chồng ông Dũng, bà Vân kể cho chúng tôi nghe một vụ việc thật đau lòng. Theo lời bà Vân thì: “Năm 2003, gia đình tôi và gia đình em trai tôi thuộc diện giải tỏa thu hồi đất ở tại 45BC/1, Khu 17 phố Bùi Thị Xuân, phường Lê Thanh Nghị, TP. Hải Dương. Theo đó, diện tích đất ở bị thu hồi là 112m2 (Tôi: 60m2; em trai tôi: 52m2).
Sau khi giải tỏa, họ chỉ cấp đất tái định cư cho gia đình tôi: 59,2 m2; còn gia đình em trai tôi là Nguyễn Quốc Hải - một công nhân nhà máy nước bị tai nạn lao động đang hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng lại không được cấp đất tái định cư. Không chỉ vậy, gia đình em tôi còn bị chính quyền thành phố Hải Dương thu hồi hộ khẩu gia đình gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ. 10 năm nay, vợ chồng, con cái gia đình em tôi sống lang thang trong cảnh: không nhà, không hộ khẩu.
Cũng 10 năm qua, Ban giải phóng mặt bằng TP. Hải Dương vẫn găm giữ tiền đất và các khoản thanh toán khác”. Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Vân còn cho biết thêm: “Chúng tôi đã khiếu nại 10 năm nay, song vẫn không được giải quyết trả lại quyền lợi chính đáng hợp pháp cho gia đình chúng tôi. Trong khi đó, ngay tại TP. Hải Dương, nhiều người có nhiều đất, nhiều nhà vẫn được cấp đất, kể cả đất 03. Cụ thể là bà Phạm Thị Hương - Trùm tín dụng đen có tiếng ở TP. Hải Dương, người có mối quan hệ với các quan chức địa phương nên đã được ưu đãi đặc biệt và được cấp 2397m2 đất 03 để chuyển thành đất ở lâu dài, lại ở vào vị trí đắc địa của thành phố.
Lạ lùng là, bà Hương chỉ nộp thuế đất cho nhà nước lô đất 2397 m2: 188 triệu đồng và 2 triệu đồng thuế trước bạ. Sau khi nhận được sổ đỏ của lô đất nói trên, bà Hương đã trao tặng cho 2 người con trai là Nguyễn Duy Cường và Nguyễn Duy Hùng và người chị gái là bà Phạm Thị Thanh; trong khi 3 người này đã sở hữu nhiều lô đất ở nhiều địa chỉ khác nhau. Đây chỉ là một phần nhỏ của việc cấp đất bất công ở Hải Dương, tạo lên cảnh: người ăn không hết, kẻ lần không ra. Gia đình tôi rất mong sự việc sớm được làm sáng tỏ để lấy lại lòng tin của nhân dân và tạo sự công bằng xã hội”.
Khó với người khó, còn lô đất 03 với diện tích hơn 3.000m3 ở khu 10 phường Bình Hàn, TP. Hải Dương, kể từ khi nhận được đơn đề nghị của bà Phạm Thị Hương ở 12 Bắc Sơn, phường Quang Trung, TP. Hải Dương, chính quyền và ngành chức năng chỉ trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục chuyển đổi thành đất ở, để rồi chỉ phải làm nghĩa vụ đóng góp về tài chính với số tiền 188 triệu, khi thành đất ở, trị giá tổng lô đất ấy lên đến hàng chục tỷ đồng.
Điều kỳ lạ là bà Phạm Thị Hương không hề có hộ khẩu tại phường Bình Hàn; vậy mà vẫn được chính quyền và các ngành chức năng ưu ái giải quyết thủ tục chóng vánh? Sự thật này nằm ở đâu? Dư luận mong nhận được câu trả lời của chính quyền và các ngành chức năng được giao nhiệm vụ rà soát, kiểm tra ở TP. Hải Dương.
(Còn nữa...)
Nhóm PVĐTừ