Vay tiền bằng điện thoại di động nhanh chóng, thuận tiện nhưng rủi ro

Nhu cầu vay tiêu dùng ngày một tăng cao và nhiều loại tài sản thông dụng có thể trở thành tài sản đảm bảo cho khoản vay, từ nhà đất, xe hơi, xe máy đến điện thoại di động. Đặc biệt là điện thoại di động, thứ tài sản dễ dùng để vay tiền nhất nhưng đi kèm với nó là quá nhiều rủi ro.

Nhanh chóng, thuận tiện

Các loại điện thoại di động (ĐTDĐ) có thể dùng để vay tiền phải là điện thoại thông minh đời mới hoặc một số loại điện thoại đặc biệt cao cấp như Vertu, Nokia 8800 phiên bản giới hạn… Ngay cả với điện thoại thông minh, những thương hiệu như iPhone, Samsung sẽ dễ vay hơn những thương hiệu khác nhưng dù là thương hiệu nào thì tuổi đời điện thoại cũng không quá 3 năm, nếu không sẽ rất khó vay. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, có tới 93,5 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh. Như vậy, thị trường cho vay bằng điện thoại di động có dư địa rất lớn.

Vay tiền bằng điện thoại di động nhanh chóng, thuận tiện nhưng rủi ro - Ảnh 1

Nhưng trên thực tế, các tổ chức tín dụng khá “thờ ơ” với hình thức vay này. Các ngân hàng không có gói vay bằng ĐTDĐ. Các công ty tài chính chỉ cung cấp gói vay hỗ trợ mua mới chứ không nhận cho vay bằng điện thoại đã qua sử dụng. Việc vay bằng ĐTDĐ hầu như chỉ diễn ra tại các cửa hàng, chuỗi cửa hàng cầm đồ nhưng với việc cả nước có gần 27 nghìn cửa hàng (thống kê của Bộ Công an) thì vẫn có rất nhiều đơn vị sẵn sàng cho vay. Bằng chứng là việc chỉ cần gõ từ khóa “vay online bằng điện thoại” hay “cầm điện thoại” trên Google là hàng trăm nghìn kết quả hiện ra, thậm chí nếu gõ thêm tên tuổi các tiệm cầm đồ lớn kèm theo hình thức vay như “vay online F88 bằng điện thoại”, cũng có hàng nghìn kết quả hiển thị. Còn trên các bảng biển cầm đồ hiện diện nơi đầu hẻm, góc phố, “điện thoại” luôn là từ khóa được ưu tiên.

Tuy vậy, không phải chuỗi nào cũng nhận cầm cố điện thoại. Điển hình là F88 - chuỗi cầm đồ lớn và uy tín nhất tại Việt Nam - hiện không nhận cầm cố điện thoại mà tập trung vào việc cho vay bằng đăng ký xe máy, ô tô. Trong khi đó, chuỗi cầm đồ Người bạn vàng lại nhận cầm cố điện thoại nhưng chỉ là những loại điện thoại đặc biệt cao cấp, có giá trị vài chục triệu đồng trở lên.

Nhưng rủi ro

Ưu điểm của việc cầm cố ĐTDĐ là thủ tục nhanh chóng, nhận tiền ngay tức khắc nhưng nhược điểm là hạn mức vay không cao, tối đa cũng chỉ 10 triệu đồng. Điều này xuất phát từ việc các cửa hàng chỉ cho vay tối đa là 60% - 70% giá trị tài sản nhằm đảm bảo rủi ro nếu khách hàng bỏ tài sản. Do ĐTDĐ là sản phẩm công nghệ có tốc độ lỗi thời cao, nhanh xuống giá nên thời gian vay sẽ rất ngắn, tối đa cũng chỉ 3 đến 6 tháng.

Lãi suất vay cũng khá “chát”, tối thiểu là 1.000đ/triệu/ngày, tương đương 36%/năm nhưng đây cũng chỉ là tối thiểu và trên thực tế thường sẽ cao hơn, khoảng 1.500đ/triệu/ngày. Khi giải ngân, nhiều cửa hàng đã áp dụng hình thức thanh toán lãi trước. Ví dụ, khoản vay là 10 triệu đồng, vay trong 3 tháng nhưng khi giải ngân, khách chỉ nhận được 9.100.000 đồng vì số tiền 900.000đ kia đã bị cửa hàng giữ lại, gọi là trả trước lãi suất. Đó là chưa kể một số khoản phí khác có thể phát sinh ngoài hợp đồng. Trong trường hợp khách hàng trễ hạn trả nợ, khả năng mất điện thoại là rất cao, cao hơn nhiều so với việc vay bằng xe máy, ô tô, nhà đất…

Để thuận tiện trong việc thanh lý tài sản, nhiều cửa hàng cầm đồ đã không lập hợp đồng cầm cố theo quy định mà chỉ yêu cầu viết giấy vay tiền. Về bản chất, hợp đồng cầm cố và giấy vay tiền có giá trị pháp lý khác nhau. Giấy vay tiền sẽ giúp cửa hàng dễ dàng qua mặt cơ quan quản lý và khi có xảy ra tranh chấp thì khách hàng sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Vay tiền bằng điện thoại di động nhanh chóng, thuận tiện nhưng rủi ro - Ảnh 2

Về kỹ thuật, vay bằng ĐTDĐ có hai loại rủi ro. Một là sẽ bị cửa hàng thay thế linh kiện trong thời gian cầm cố. Việc thay thế này diễn ra rất tinh vi bởi đa phần nhân viên đều có kỹ năng sửa chữa điện thoại. Hai là mất thông tin cá nhân bởi khi cầm cố, cửa hàng sẽ yêu cầu khách cung cấp mật khẩu mở khóa và trong thời gian này, đối tượng xấu có thể đánh cắp thông tin cá nhân khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc làm áp lực khiến người vay phải trả nợ theo cách chúng muốn.

Những người có kinh nghiệm thường đưa ra 5 lời khuyên khi cầm cố điện thoại di động là xoá toàn bộ dữ liệu cá nhân khi cầm cố điện thoại; thoát khỏi các kết nối đám mây như iCloud hoặc tài khoản Google; kiểm tra niêm phong tài sản kỹ càng; yêu cầu lập hợp đồng cầm cố chi tiết các điều khoản và chỉ thanh toán các khoản lãi, phí đã đề cập trong hợp đồng; lựa chọn cầm cố ở những cửa hàng, chuỗi cửa hàng có uy tín, cho vay có trách nhiệm.

Dù có nhiều rủi ro nhưng không thể phủ nhận việc vay tiền bằng điện thoại di động, dù là vay cầm cố, vẫn luôn là một kênh vay tiền nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng đối với nhiều người.

PV

TEVN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục