Vay thẻ tín dụng 8,5 triệu, lãi phát sinh 8,8 tỷ đồng
Ngày 13/3, trên các trang mạng xã hội lan truyền công văn nhắc nợ của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank AMC).
Theo nội dung công văn, Eximbank AMC thông báo đến khách hàng có tên P.H.A tại Quảng Ninh về khoản nợ trị giá trên 8,83 tỷ đồng, trong đó nợ gốc trên 8,55 triệu đồng.
Thông tin trên khiến nhiều người không khỏi sốc trước số tiền lãi khi quá hạn thanh toán thẻ tín dụng và "giật mình" về thói quen chi tiêu bằng thẻ tín dụng hiện tại.
Nhiều người thắc mắc về số tiền lãi mà người đàn ông phải trả được tính như thế nào để ra một con số khổng lồ như vậy.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, do người đàn ông đã chấp nhận kí hợp đồng khoản vay, ngân hàng cũng có những quy định về tính lãi khoản vay nên khó có thể có chuyện sai sót ở đây.
Theo nội dung Eximbank cung cấp cho báo giới, khách hàng P.H.A thực hiện mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng, phát sinh 2 giao dịch thanh toán vào ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch.
Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ trên đã chuyển thành nợ xấu. Thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.
Từ đó đến nay, Eximbank đã thực hiện các thủ tục để thu hồi khoản nợ của ông P.H.A theo quy định, không có chuyện khách hàng “quên” đóng lãi như mạng xã hội lan truyền.
Eximbank cho biết, đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.
Về công văn nhắc nợ đang được lan truyền trên mạng xã hội, Eximbank khẳng định, việc phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.
Eximbank khẳng định phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).
Lãi phạt quá hạn tới 150%/năm
Thẻ tín dụng mang lại nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ chi tiêu, giúp người sử dụng khi cần mua gì đó mà chưa có tiền vẫn có thể mua được. Ưu điểm của thẻ tín dụng là người dùng có thể mua trước, trả sau nên chủ sở hữu có thể dễ dàng quẹt thẻ hoặc mua hàng trực tuyến khi không có tiền mặt.
Nhưng hậu quả cũng vô cùng to lớn nếu không đủ hiểu biết về nó. Đã có nhiều trường hợp người dùng bị quên thanh toán mức tối thiểu 50.000 - 150.000 đồng của thẻ tín dụng, khiến thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng.
Khi mở một thẻ tín dụng tại ngân hàng, người tiêu dùng sẽ được cấp một thẻ tín dụng với một hạn mức nhất định gọi là hạn mức tín dụng. Khách hàng sẽ được vay tiền trong hạn mức tín dụng này để chi tiêu trước, sau đó thanh toán lại cho ngân hàng toàn bộ khoản vay hoặc trả góp hàng tháng.
Trong trường hợp không thanh toán đủ dư nợ tối thiểu (thiếu 1 đồng cũng bị coi là không thanh toán đủ) trong 1 kỳ sao kê theo thông báo của ngân hàng sẽ bị tính lãi dựa trên toàn bộ dư nợ cộng thêm phí chậm trả.
Thông thường các ngân hàng sẽ để thời gian miễn lãi suất kéo dài khoảng 45 ngày, bao gồm thời gian miễn lãi suất giữa hai chu kỳ thanh toán và thời gian được gia hạn. Nếu không thanh toán toàn bộ khoản vay trong khoảng thời gian này, khách hàng sẽ phải trả thêm tiền lãi cho ngân hàng. Như vậy, không trả nợ thẻ tín dụng sẽ chịu phí phạt do quá hạn thanh toán.
Với những trường hợp chậm trả thanh toán thẻ tín dụng trong thời gian dài, số tiền phát sinh có thể hiểu như sau: Số tiền lãi và gốc phải trả của kỳ này được tính dựa trên số tiền gốc và lãi phải trả của kỳ ngay trước đó, không phải tính dựa trên dư nợ gốc.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì cách tính lãi suất như sau:
Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định trên, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn theo công thức:
Lãi quá hạn = Số tiền còn lại x Lãi suất hợp đồng (năm) x 150% x Thời gian quá hạn
Hiện khách hàng có nợ tín dụng quá hạn sẽ phải chịu phí phạt thanh toán chậm khoảng 5% và lãi suất khoảng 20-45% tùy ngân hàng.
Trong trường hợp chủ thẻ không hoàn trả bất kỳ khoản tiền nào cho ngân hàng và để khoản nợ trễ hạn hơn 60-70 ngày, toàn bộ khoản nợ sẽ bị tính lãi suất quá hạn và phí phạt trả chậm trên tổng dư nợ.
Căn cứ theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN, những khoản nợ từ 2 triệu đồng trở lên và quá hạn trong vòng 36 tháng thì ngân hàng có thể lập hồ sơ khởi kiện.
Chưa kể, hiện nay, việc sử dụng và thanh toán thẻ tín dụng của khách hàng đã được thu thập và xếp hạng tín dụng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam. Theo đó, 5 loại nợ tín dụng như sau: Nhóm 1: Dư nợ đủ chuẩn; nhóm 2: Dư nợ cần chú ý; nhóm 3: Dư nợ dưới tiêu chuẩn; nhóm 4: Nợ nghi ngờ mất vốn; nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn (nợ xấu).
Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức tín nhiệm của khách hàng có thể vay tiền ngân hàng. Do đó, sẽ không tốt nếu khách hàng có lịch sử mở quá nhiều thẻ tín dụng và thường xuyên chậm thanh toán cho các khoản chi tiêu của thẻ.
Vietnamfinance
In bài viết