Vay ngoại tệ tăng mạnh, đáng mừng hay đáng lo?

(Kinhdoanhnet) - Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, NHNN đã cho phép các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng ngoại tệ. Tuy nhiên đây có lẽ chỉ là biện pháp tạm thời khi mà vẫn còn đó những rủi ro.

Tính đến hết tháng 6 năm 2014, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 3,52% so với cuối năm 2013, trong đó tín dụng ngoại tệ tăng 12,03% còn tín dụng bằng VNĐ chỉ tăng 2,17%.

Lí do được đưa ra giải thích cho việc tín dụng ngoại tệ tăng nhanh là do lãi suất cho vay ngoại tệ chỉ bằng một nửa so với lãi suất cho vay tiền đồng. Nếu so sánh lãi suất USD với lãi suất VND thì có sự chênh lệch khá lớn. Nếu như lãi suất cho vay VNĐ phổ biến ở mức 9% - 11%/năm thì lãi suất cho vay USD chỉ ở mức 3% - 6%/năm.

Điều này đã khiến cho các doanh nghiệp tại Việt Nam ồ ạt chuyển từ vay VNĐ sang vay ngoại tệ.

Một vị đại diện doanh nghiệp cho biết: “Với DN có nguồn thu từ ngoại tệ, vay USD không chỉ lợi về dòng vốn rẻ mà còn có thể dùng tiền đồng gửi NH với lãi suất 6%-7%/năm rồi cầm cố sổ tiết kiệm, vay USD với lãi suất 4%-5%/năm để hưởng chênh lệch”.

Bên cạnh đó một nguyên nhân quan trọng khác phải kể đến đó là việc ngân hàng nhà nước (NHNN) đã "bật đèn xanh" cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ. Mặt khác NHNN cũng khẳng định về việc giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ, khiến các doanh nghiệp tự tin hơn vay USD thay vì VNĐ.

“Trong 6 tháng đầu năm, khi tín dụng tăng trưởng thấp, NHNN đã linh hoạt sử dụng cách thức này để góp phần hỗ trợ tín dụng” - bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của NHNN cho biết.

Điều này sẽ góp phần tạo độ tăng trưởng tín dụng chung kéo tăng trưởng tín dụng nội tệ đi lên theo. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại khá nhiều bất cập.

Bất cập của việc tăng tín dụng ngoại tệ

Đi kèm với sự tăng trưởng tín dụng là áp lực thanh khoản lên toàn hệ thống ngân hàng đang ngày càng mạnh mẽ.

Theo số liệu từ NHNN, hệ số sử dụng vốn của hệ thống các ngân hàng (tín dụng ngoại tệ/huy động ngoại tệ) tăng từ 88,3% tại thời cuối năm 2013 lên 99,5 % chỉ trong vòng vài tháng.

Vay ngoại tệ tăng mạnh, đáng mừng hay đáng lo? - Ảnh 1
Tín dụng ngoại tệ tăng trưởng mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, các ngân hàng sẽ cho vay vượt quá khả năng huy động và rủi ro thanh khoản ngoại tệ sẽ gia tăng, nhất là ở thời điểm cầu ngoại tệ lớn vào cuối năm. Tín dụng ngoại tệ tăng trở lại đồng nghĩa với tình trạng đô-la hóa nền kinh tế có dấu hiệu tăng lên. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ nếu mất thanh khoản VND thì NHNN còn có thể hỗ trợ qua OMO, tái cấp vốn nhưng với ngoại tệ thì mọi chuyện lại dường như không hề đơn giản.

Trong báo cáo đưa ra mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vẫn tiếp tục cảnh báo thanh khoản đối với ngoại tệ đang chịu áp lực nhất định trước tình trạng huy động ngoại tệ thấp nhưng cho vay cao.

Công ty chứng khoán BSC phân tích, việc đẩy mạnh tín dụng ngoại tệ đem đến một số hệ lụy nhất định: thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng trong khi dồi dào trên thị trường tự do, đe dọa nỗ lực giảm thiểu đô la hoá nền kinh tế.

Tính toán dựa trên số liệu của NHNN, tỷ lệ cho vay bằng ngoại tệ trong tổng dư nợ đã xấp xỉ 15%. Việc tăng cho vay ngoại tệ sẽ đi ngược lại tiến trình giảm đô la hóa mà NHNN đã thực hiện khá thành công vài năm gần đây.

Khi NHNN đặt ra chủ trương xóa đô la hóa, mục tiêu là các ngân hàng chỉ thực hiện quan hệ mua bán, thay vì quan hệ cho vay và huy động. Vì vậy, cho vay ngoại tệ tăng có thể tạo ra cung cầu trên thị trường, đi ngược lại tiến trình xoá đô la hoá.

Bên cạnh đó việc các doanh nghiệp ồ ạt chuyển từ vay VNĐ sang vay ngoại tệ nhiều để hưởng phần chênh lệch thì tất yếu đến hạn phải trả. Khi đó doanh nghiệp nếu muốn vay mới thì cần phải trả hết khoản nợ cũ bằng USD. Khoản USD mà doanh nghiệp vay mới có thể được bán ra, thu VNĐ. Như vậy có thể thấy quá trình này không tốn nhiều ngoài tệ bản chất của nó chỉ là hoán đổi từ người này sang người khác mà thôi. Điều này khiến cho áp lực về tỷ giá ngày càng trở nên nặng nề hơn.

Phải kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ

Theo một số chuyên gia tài chính, việc cho vay ngoại tệ đối với hoạt động xuất nhập khẩu để hỗ trợ nền kinh tế là cần thiết, nhưng không nên lạm dụng và phải được kiểm soát chặt chẽ để tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng thị trường.

“Hệ số sử dụng vốn ngoại tệ của các ngân hàng  đến cuối tháng 5 lên tới 99,5%, nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng ngoại tệ mới tăng1,34%. Mặt khác, nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước khác và nguồn vốn nước ngoài thì hệ số sử dụng vốn chỉ khoảng 50-60%” – Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước nói.

Được biết trong 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến tín dụng ngoại tệ để có những điều chỉnh phù hợp. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%.

Bên cạnh đó NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt góp phần hỗ trợ xuất khẩu, phối hợp chặt chẽ điều hành tỷ giá với điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ hợp lý, tránh gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát. Linh hoạt trong ngắn hạn khi điều hành tín dụng ngoại tệ, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định mục tiêu chống đôla hóa trong nền kinh tế hiện nay.

Quốc Hưng (tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục