Vàng Trung Quốc thâm nhập sâu vào thị trường Việt
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TP.HCM cho biết đang được chào vàng Trung Quốc với giá rẻ hơn khoảng 40.000 đồng/lượng so với nhập qua đường chính thức.
Giới kinh doanh gọi đó vàng “nhíp”, mỗi thỏi có trọng lượng khoảng 1kg. Về hình thức, thỏi vàng không đẹp bằng vàng Thụy Sĩ nhưng đo trên máy quang phổ vẫn đủ bốn số 9.
Chủ tiệm vàng tại chợ An Đông (TP.HCM) cho biết, từ hồi cuối năm 2013 đã có nhiều người tự xưng là thương nhân Trung Quốc chào hàng nữ trang, họ đưa cho xem sản phẩm và đưa ra những ưu đãi rất hấp dẫn: nếu hàng không bán được có quyền trả lại mà không phải mất tiền công cũng như không phải trả tiền do hao hụt vàng, được gối đầu…
Còn chủ tiệm vàng Kim Ngọc ở chợ Hòa Bình (TP.HCM) cũng cho rằng, không chỉ sản phẩm nữ trang mà từ lâu vàng bóng (vàng nhập thỏi bốn số 9999 không có thương hiệu) từ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam khá nhiều.
Hiện nay một số công ty vàng trong nước đã bắt đầu dùng vàng “nhíp” để sản xuất nữ trang. “Vàng Trung Quốc hiện đã chiếm đến khoảng gần 10% thị trường phía Nam và gần 20% thị trường phía Bắc. Bằng mắt thường thì không thể phân biệt được đâu là vàng Trung Quốc, đâu là vàng trong nước”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết.
Theo một chuyên gia về vàng, gần đây vàng Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều là điều đáng lo ngại. Tại TP.HCM thì có những đầu mối lớn ở chợ An Đông nhập hàng nữ trang được gia công tại Trung Quốc về Việt Nam được dập thương hiệu lên sản phẩm.
Chủ tịch Hội Kim hoàn Đá quý mỹ nghệ TP.HCM cũng cho biết thêm, hiện Trung Quốc sản xuất 02 dòng sản phẩm nữ trang, dòng cao cấp xuất sang Châu Âu và dòng thấp cấp xuất sang các nước Châu Á. Điều lo lắng về lâu dài nếu cứ nhập nữ trang Trung Quốc thì không khéo chúng ta sẽ thành “bãi rác vàng trang sức” khi chất lượng không được kiểm soát vì đa số là nhập lậu.
Cần tìm giải pháp tháo gỡ cho DN
Hiện các DN vàng nhỏ có tiềm lực yếu không đủ điều kiện nhập khẩu vàng gặp khó khăn về nguyên liệu vàng, họ phải mua vàng miếng của SJC để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ hoặc thu mua vàng trong nước từ nguồn vàng phân kim, vàng cũ tái chế, vàng bóng không rõ nguồn gốc, còn mua vàng SJC khiến giá thành sản phẩm bị đội lên cao.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, sản xuất - kinh doanh nữ trang là ngành nghề truyền thống của thành phố, chiếm lĩnh thị trường nội địa và cả xuất khẩu ra thế giới. Đây là ngành mang lại hiệu quả lớn và nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch SJA cho biết, các DN sản xuất vàng trang sức Việt Nam phải nhường thị phần cho những sản phẩm vàng trang sức nhập lậu. Điều này làm cho các DN vàng trang sức, mỹ nghệ gặp bế tắc, dẫn đến nhiều DN vàng “chết” hoặc tạm ngưng khi hiện nay các DN sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không được vay vốn để sản xuất, kinh doanh.
Theo Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước được độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu, dập vàng miếng bán đấu giá cho các ngân hàng và các DN có giấy phép mua bán vàng miếng. Do vậy, vàng nguyên liệu không đến được các DN sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng không cho các DN vàng vay tiền để mua vàng sản xuất, kinh doanh.
Theo thống kê của Hiệp hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP Hồ Chí Minh, hơn 70% trong gần 3.500 DN kinh doanh vàng và nữ trang của TP Hồ Chí Minh đang lâm vào bế tắc, thậm chí phải ngưng hoạt động do nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt theo Thông tư 33/2011/TT - NHNN. Cụ thể, tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc NHNN chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ. Tuy vậy, trong thời gian qua các DN nữ trang vẫn chưa được phép vay tiền để mua vàng nguyên liệu.
Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét “mở van tín dụng” để các DN sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ được tiếp cận vốn ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, DN nhỏ đã khó, DN lớn càng gặp khó hơn. Bởi hiện nay, các DN lớn này đang vướng mắc một số khoản vay cũ sắp đến hạn, nếu ngân hàng không giải quyết vốn vay sẽ gặp nhiều khó khăn. Thực tế, có DN sản xuất hơn 400 kg vàng nguyên liệu, nhưng với tình hình hiện nay, vốn bị siết, nguồn nguyên liệu không đủ... khiến hoạt động của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Dưng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhập khẩu vàng nguyên liệu để bán cho các DN vàng đủ điều kiện sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ nhằm tránh rủi ro khi các DN này mua vàng nguyên liệu tại thị trường tự do không rõ nguồn gốc. Nếu Ngân hàng Nhà nước “mở van” cho phép các DN vàng đủ điều kiện nhập khẩu vàng nguyên liệu thì cần có một quy trình giám sát để tránh xảy ra các biến tướng, cụ thể là việc mua bán vàng nguyên liệu nhập khẩu vì thị trường trong và ngoài nước có chênh lệch giá.
Hiện tỷ lệ vàng nguyên liệu sử dụng để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là 30% từ vàng tái chế, 70% vàng nguyên liệu 99,99% để sản xuất vàng trang sức hàm lượng dưới 18K, còn vàng trang sức trên 18K phải sử dụng 100% vàng nguyên liệu 99,99%.
Thế Anh (Tổng hợp)