Vàng tiếp tục đà giảm trong phiên cuối tuần

(Kinhdoanhnet) – Sự đi xuống liên tục của giá kim loại quý trong nước được các chuyên gia phân tích chủ yếu do ảnh hưởng của giá vàng thế giới.

Mở cửa phiên cuối tuần ngày 5/7, giá vàng SJC được công ty này niêm yết là 36,72 – 36,82 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá mua, nhưng giảm 20.000 đồng mỗi lượng bán so với giá chốt phiên hôm qua.

Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC là 36,75-36,80 triệu đồng, giảm 10.000-20.000 so với ngày hôm qua.

Trong khi đó, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận vẫn còn niêm yết mức giá cuối ngày hôm qua, quanh 36,76-36,83 triệu đồng. Với mức giá này, nếu so với giá vàng quốc tế chốt phiên cuối tuần 1.320 USD (tương đương 33,94 triệu đồng mỗi lượng tiền Việt) thì vẫn còn đắt hơn khoảng 2,8 triệu đồng.

Giá vàng thế giới kết thúc tuần giao dịch trên sàn Kitco ở mức 1.320 USD/oz. Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 8 tăng 0,1% lên mức 1.321 USD/oz do biến động trái chiều của cổ phiếu châu Âu.

Vàng tiếp tục đà giảm trong phiên cuối tuần - Ảnh 1

Như vậy, giá vàng trong nước vẫn cao hơn vàng thế giới 2,8 triệu đồng mỗi lượng (quy đổi theo tỷ giá liên ngân hàng).

Giá vàng được nhận định vẫn chịu nhiều áp lực từ số liệu việc làm khả quan trong tháng 6 tại Mỹ mới được công bố. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 6, nước này đã tạo ra 288.000 việc làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp cũng xuống 6,1% - thấp nhất 6 năm.

Đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sẽ có nửa cuối năm khởi sắc. Dù vậy, việc này cũng khiến thị trường lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm tăng lãi suất, đẩy giá vàng đi xuống. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, nếu FED tăng lãi suất, tức là họ lo lắng về lạm phát. Khi ấy, yếu tố lạm phát vẫn có thể đẩy giá vàng đi lên.

Thị trường Mỹ ngày thứ 6 đóng cửa để nghỉ lễ độc lập trong khi chỉ số USD tăng cũng đã có ảnh hưởng xấu đến sự hấp dẫn của vàng.

Sau khi Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết, các chính sách kích thích tháng trước sẽ đẩy cao lạm phát và hỗ trợ vay vốn ngân hang, vàng từ đó cũng có thể được củng cố trong dài hạn.

Trên thị trường hiện nay xuất hiện một số doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ rồi chuyển hóa thành tiền đồng để hưởng chênh lệch lãi suất. NHNN cho rằng, đây là việc hết sức bình thường khi chênh lệch lãi suất cao, tỷ giá ổn định và nguồn ngoại tệ dồi dào.

Tuy vậy, một số chuyên gia cảnh báo, việc tăng vay đôla bán ra lấy tiền đồng kinh doanh khiến nguồn cung ngoại tệ trên thị trường tăng tạm thời và kéo tỷ giá xuống dưới điểm cân bằng cung cầu. Tuy nhiên, biến động tỷ giá có thể xảy ra khi đáo hạn hợp đồng, doanh nghiệp phải mua đôla để trả nợ ngân hàng.

P.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục