Hiện Chính phủ đã để ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2011-2015 là thành lập mới 350,000 doanh nghiệp và đến ngày 31/12/2015, cả nước sẽ có khoảng 700,000 doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, đầu tư của khu vực này chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo thêm 3.5-4 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2011-2015.
Các gói ưu đãi hàng loạt được ngân hàng đưa ra
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp không ít khó khăn để phát triển hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn vay. Nguyên nhân xuất phát từ chính quy mô, uy tín và thương hiệu của loại hình doanh nghiệp này, cửa vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có phần hạn chế hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn vấp phải những hạn chế khác về trình độ quản lý, vốn, tài sản thế chấp, năng lực sản xuất kinh doanh…Tuy nhiên, phân khúc khách hàng này hiện đang là “điểm nóng” của các ngân hàng. Tại nhiều ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, tỷ trọng cho vay các đơn vị này hiện đã chiếm phần lớn so với các loại hình khác.
Để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) quản lý dòng tiền một cách hiệu quả, VPBank triển khai dịch vụ VPBiz Card dành riêng cho đối tượng này. Theo ông Fung Kai Jin, Giám đốc khối SME của VPBank, với những tính năng dành riêng, VPBiz Card giúp doanh nghiệp tách bạch chi tiêu cá nhân với chi tiêu doanh nghiệp, qua đó có thể theo dõi các chi phí kinh doanh, kiểm soát và làm các báo cáo tài chính rõ ràng hơn.
Doanh nghiệp có thể rút tiền mặt ở bất kỳ máy ATM nào chấp nhận thẻ MasterCard trên toàn thế giới. Đặc biệt, khi sử dụng thẻ giao dịch tại quốc gia nào, việc mua bán hàng hóa hay rút tiền của doanh nghiệp đều được trừ thẳng vào tài khoản của khách hàng tại Việt Nam và tỷ giá hối đoái thường tốt hơn so với tỷ giá tại các điểm đổi tiền tại nước sở tại.
Tài trợ tín dụng trọn gói cho doanh nghiệp là cách Sacombank lựa chọn. Cụ thể, Sacombank tài trợ vốn cho các đại lý của Công ty ô tô Đô Thành và Công ty ôtô Nam Việt nhằm hỗ trợ thanh toán tiền mua xe cho hai công ty này.
Theo thỏa thuận, các đại lý này sẽ được Sacombank thẩm định và cấp hạn mức tín dụng duy trì trong 12 tháng với mục đích cho vay/hoặc bảo lãnh (thời gian cho vay tối đa 6 tháng) dựa trên kế hoạch mua xe, tình hình kinh doanh và tài sản đảm bảo của đại lý. Ngoài ra, các đại lý của Đô Thành và Nam Việt còn được Sacombank ưu đãi miễn/giảm phí giao dịch...
Tương tự, SeABank áp dụng mức lãi suất ưu đãi đặc biệt dành riêng cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể với tổng số tiền tài trợ lên tới 4.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay tối thiểu là từ 8,5%/năm. Đối với các khách hàng hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu vay để bổ sung vốn kinh doanh và đầu tư tài sản cố định, SeABank triển khai gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn VND chỉ từ 8,8%/năm...
Ngân hàng Nhà nước cho biết, số liệu từ các ngân hàng thương mại phản ánh nguồn vốn hiện đang dư thừa hàng trăm ngàn tỷ đồng. Để tìm lối thoát cho dòng vốn ứ đọng này, nhiều ngân hàng cho biết sẵn sàng cho vay với lãi suất chỉ từ 5 - 5,8%/năm nếu khách hàng thực sự có tiềm năng.
Lãnh đạo một chi nhánh của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng này cho vay với lãi suất 5%/năm với điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu phải chuyển 50 - 70% dòng tiền mua bán hàng hóa thông qua ngân hàng, đồng thời cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng.
Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) đã triển khai giai đoạn III dự án JBIC, JICA - chương trình tài trợ ưu đãi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất hiện hành từ 1-6%/năm, mức cho vay tối đa lên đến 25 tỷ đồng cho 1 dự á. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được tư vấn lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh/dự án đầu tư, tư vấn xúc tiến thương mại kèm theo nhiều tiện ích hỗ trợ giao dịch khác.
Trong năm 2014, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (STB) cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt chú trọng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ SXKD, tiểu thương. Như nhiều ngân hàng khác, OceanBank cũng triển khai gói sản phẩm ưu đãi dành cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều tiện ích miễn phí cùng với hàng loạt chính sách miễn/giảm phí dịch vụ và lãi suất.
Được biết, từ đầu năm 2014 đến nay, Sacombank đã triển khai 13 gói cho vay ưu đãi trị giá 21,550 tỷ đồng và 90 triệu USD nhằm góp phần hỗ trợ cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân trên cả nước tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo tiền đề tiếp tục phát triển trong những năm kế tiếp. Trong đó, tại chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp theo chủ trương của UBND TP.HCM và NHNN - Chi nhánh Tp.HCM, Sacombank đã dành 585 tỷ đồng cho vay ưu đãi doanh nghiệp tại 9 quận huyện trên địa bàn Tp.HCM.
Ngân hàng Công thương Việt Nam – Vietinbank (CTG) cũng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn với lãi suất thấp, thời hạn vay dài. Hay tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), trong tháng 3 vừa qua, ngân hàng này vừa cho ra mắt sản phẩm thẻ VPBiz Card. Đây là loại thẻ rất mới tại Việt Nam bởi đối tượng là các doanh nghiệp. Thẻ được tích hợp các “module” định hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) như tách bạch chi tiêu cá nhân với chi tiêu doanh nghiệp, qua đó có thể theo dõi các chi phí kinh doanh, kiểm soát và làm các báo cáo tài chính rõ ràng. Ngoài ra, với ưu điểm tỷ giá hối đoái thường tốt hơn tỷ giá tại các điểm đổi tiền tại các nước sở tại, doanh nghiệp cũng có lợi thế khi thực hiện giao dịch ở nước ngoài qua thẻ.
Giải pháp đẩy mạnh cho khách hàng doanh nghiệp vay tiếp tục được nhiều ngân hàng lựa chọn để tăng trưởng tín dụng, nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Nói như ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, trong tình thế khó khăn, ngân hàng không thể ngồi chờ khách hàng tới vay như trước. Ngoài những khách hàng cũ, ngân hàng phải mở rộng đối tượng cho vay, trong đó chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp nhỏ, hộ tiểu thương.
Cũng theo ông Khang, ngoài lãi suất đã được giảm, đơn vị còn thực hiện cơ chế "một cửa" để tạo điều kiện cho khách hàng nhanh nhất về thủ tục, về hồ sơ, hình thức vay, mức vay... đều được hướng dẫn, tư vấn đầy đủ. Còn theo ông Fung Kai Jin, trong thời điểm này, ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng tín dụng nhiều nhưng đạt được mục tiêu này không hề dễ dàng.
Hơn nữa, rủi ro trong tín dụng luôn được các tổ chức tín dụng xem xét rất kỹ lưỡng. Vì thế, áp lực cạnh tranh về tìm kiếm khách hàng để đẩy mạnh cho vay giữa các tổ chức tín dụng ngày một căng thẳng.
Sự lựa chọn ít rủi ro
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng không mấy khả thi, việc tập trung dồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ lúc này được các ngân hàng đánh giá là hiệu quả nhất. Bởi nếu tiếp tục không cho vay được, không chỉ có doanh nghiệp "chết" mà bản thân ngân hàng cũng rất khó khăn. Đó là chưa kể nguồn vốn huy động dư thừa là áp lực phải trả chi phí huy động. Do đó, các ngân hàng phải cạnh tranh thu hút khách hàng.
Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, nhu cầu vay vốn vẫn chỉ ở mức bão hòa. Do vậy, để thu hút khách hàng, tổ chức tín dụng phải giải quyết hồ sơ nhanh chóng, có mức lãi suất ưu đãi... Nhưng đó vẫn là lý thuyết, còn thực tế tùy thuộc vào mỗi ngân hàng có cách làm như thế nào, nên quan trọng nhất vẫn là sự lựa chọn ở phía khách hàng vay vốn.
Còn theo lý giải của một chuyên gia, trên thực tế, chi phí trong hoạt động cho vay nhỏ lẻ, cá nhân và tiêu dùng là rất lớn, nhưng bù lại khi cho vay phân tán, chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra tương đối tốt. ngân hàng có thể dùng khoản lợi nhuận này để bù cho những cái khác, đồng thời khi cho vay phân tán, độ an toàn thường cao hơn đối với khoản vay lớn, rủi ro tiềm ẩn lớn hơn.
Chẳng hạn, với mức chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra khoảng 4%/năm, khi cho vay nhỏ lẻ, nếu cho vay 1.000 tỷ đồng thì mỗi năm các tổ chức tín dụng sẽ nhận được khoảng 40 tỷ đồng lợi nhuận. Trong khi, 400 tỷ đồng cho một doanh nghiệp vay nếu trở thành món nợ xấu và có khả năng mất vốn, lúc đó ngân hàng phải cho vay ra 4.000 tỷ đồng mới có thể thu được lợi nhuận để bù cho 400 tỷ đồng đã mất...
N.N.(Tổng hợp)