Unicity Marketing Việt Nam: Mập mờ trong chương trình trả thưởng

Tòa soạn nhận được đơn phản ánh của những người tham gia vào hệ thống Công ty kinh doanh đa cấp Unicity về sự mập mờ trong hoạt động trả thưởng và đặt cọc tiền để thi đua giành suất du lịch.

Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam thành lập vào tháng 11/2012, được giới thiệu là thành viên của Tập đoàn Unicity (Mỹ). Trụ sở ở Việt Nam đặt tại số 19, đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM và chi nhánh văn phòng Hà Nội đặt tại tòa nhà Việt Á, số 9 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy.

Mặt hàng chính của công ty chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và sách về dược, có nguồn gốc tại Mỹ. Theo như chia sẻ của nhiều thành viên khi tham gia hệ thống bán hàng của công ty Unicity, Công ty đang tổ chức chương trình Glic 2019 - Seoul, Hàn Quốc, thành viên khi tham gia thi đua nếu đạt được hai suất đi du lịch thì suất thứ hai đó “chỉ dành cho đồng đơn (cùng mã số) là vợ/ chồng hợp pháp của Nhà phân phối và phải được công ty này cho phép”. Vậy nếu Nhà phân phối họ là người độc thân thì sao? Và khi họ đủ tiêu chuẩn thì lại phải ”được Unicity Marketing Việt Nam cho phép”? .

Unicity Marketing Việt Nam: Mập mờ trong chương trình trả thưởng - Ảnh 1
Đại diện Công ty Unicity Maketing Việt Nam trả lời thông tin báo chí tại một sự kiện.

Nếu đủ tiêu chuẩn mà không được công ty này cho phép thì sao? Đây là hình thức để họ thi đua và không chắc chắn cho họ về sự trả thưởng khi họ đạt được, bởi nếu họ đạt được hai suất đi du lịch mà công ty lại “không cho phép” thì việc tham gia thi đua này chính là bóng dáng của việc lừa dối những Nhà phân phối. Ngoài ra công ty có rất nhiều quy định mập mờ đã khiến các thành viên tham gia đã mất đi niềm tin vào quá trình tổ chức của công ty.

Trường hợp chị Nguyễn Thị A., là Nhà phân phối của công ty Unicity Marketing Việt Nam, khi chị tham gia chương trình thi đua để giành suất đi du lịch Man-đi-vơ. Trong hợp đồng mà công ty đề ra, công ty không yêu cầu vợ/chồng nhất định phải là đồng đơn, chỉ yêu cầu là vợ hoặc chồng không phải là hai người ở hai hệ thống khác nhau (Sideline), như vậy nghĩa là vợ chồng hoàn toàn có thể ở cùng một hệ thống (Upline – Downline).

Vậy khi gia đình chị A. đã đủ điều kiện, hai vợ chồng ở cùng hệ thống, cùng đạt tiêu chuẩn thưởng theo công ty, cùng có tên trong lúc thông báo suất đi du lịch Man-di-vơ, nhưng sau đó công ty Unicity Marketing Việt Nam đã cắt mất suất đi của gia đình chị chỉ vì công ty này cho rằng họ là vợ chồng không được phép có 2 mã số nên họ không được đi du lịch.

Hay như trường hợp khác, chị Nguyễn Thị X. cũng đang là nhà phân phối của Công ty Unicity Marketing Việt Nam, theo như lời chia sẻ của chị trước đây chị cũng là người đủ tiêu chuẩn du lịch châu Âu, chị được hưởng hai suất theo như chương trình trả thưởng của công ty này, trị giá chuyến đi này là gần 4.000 USD và chị đã dành một suất cho người nhà.

Khi đó người nhà của chị không xin được Visa nên công ty hứa sẽ bồi hoàn cho chuyến đi khác, nhưng trên thực tế công ty Unicity Marketing Việt Nam không những không bồi hoàn chuyến đi khác mà đã cắt luôn một suất mà lẽ ra đó là quyền lợi của chị được hưởng. Gửi phản ánh lên phía Unicity Markeing Việt Nam, Ban lãnh đạo lại lấy lý do công ty đã đặt hết với công ty tour nên người nhà chị không đi được, công ty không hủy được và cũng sẽ không bồi hoàn chuyến đi khác.

Tương tự đó thì trước đây, Công ty Unicity Marketing Việt Nam có tổ chức chuyến đi Hong Kong, trước khi bắt đầu thi đua trong vòng 4 tháng, công ty yêu cầu người tham gia muốn tham gia thi đua phải đóng tiền đặt cọc.

Sau đó thi đua đạt doanh số và lên chức Giám đốc (Director) thì mới được đi Hong Kong, nhưng nếu không lên được thì tiền đặt cọc kia mất luôn. Lý do họ đưa ra là vì phải đặt cọc cho công ty du lịch không lấy lại được. Chắc chắn chúng ta có thể thấy được không ít người đã bỏ công sức để tăng doanh số nhưng vì lý do không lên chức Director được mà mất luôn tiền đặt cọc.

Và ước tính hàng trăm Nhà phân phối đã không lấy lại được tiền cọc này khi họ không đạt được tiêu chuẩn bán hàng ra doanh số như quy định. Bên cạnh đó việc mà công ty du lịch không cho thay đổi số lượng người đi và thu toàn bộ số tiền đặt cọc mà các Nhà phân phối đã đóng là hoàn toàn không đúng theo nguyên tắc. Thêm nữa là chương trình thi đua thì kết thúc trước khi chuyến đi đó nhiều tháng liền cho nên điều này là không thể thoả đáng.

Từ đây chúng ta có thể hiểu rõ rằng đã có đến hàng trăm Nhà phân phối đặt cọc tiền cho công ty này mà không được đi với lý do không rõ ràng. Những khoản tiền mà các thành viên đóng vào công ty bị mất một cách vô lý như vậy đã đưa tới nhiều sự bất bình và không ít người khiếu nại lên công ty mà không được hồi âm.

Những chương trình này của công ty Unicity thực chất chỉ là hào quang mà Unicity Marketing Việt Nam vẽ ra để lôi kéo và lừa các Nhà phân phối? Liệu còn những chương trình nào của công ty này công khai thu tiền của Nhà phân phối bỏ túi mình nữa hay không? Số tiền đặt cọc mà các Nhà phân phối bỏ ra thì đã và đang đi về đâu?

Sau thông tin phản ánh ban đầu, để tìm hiểu rõ về sự mập mờ trong chương trình trả thưởng, phóng viên đã đến liên hệ với công ty Unicity Marketing Việt Nam về vấn đề trên.

Tuy nhiên, khi nhóm PV đưa lên thẻ nhà báo làm việc với bà Mai Ngọc Lan, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Unicity Việt Nam thì nhận được câu trả lời không làm việc nếu không có đồng thời giấy giới thiệu, thẻ nhà báo và đơn gửi tới tòa soạn phải có đóng dấu treo. Khi chúng tôi hỏi đây là quy định của cơ quan nào thì bà Mai Ngọc Lan chỉ nói là “làm theo quy định” (?).

Trong khi đó, Điểm c, Khoản 2, Điều 25 về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, Luật Báo chí 2016 (có hiệu lực từ 1/1/2017) quy định: “Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Điều này đồng nghĩa với việc, thẻ nhà báo hoàn toàn có thể thay thế cho giấy giới thiệu của cơ quan. Chỉ trong trường hợp, phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo thì mới cần phải trình giấy giới thiệu của cơ quan khi tác nghiệp.

Trên đây là một phần rất nhỏ trong những câu chuyện “ăn chặn” trả thưởng cho Nhà phân phối ở Công ty Unicity Marketing Việt Nam. Nếu mỗi nhà phân phối mất đi một suất du lịch trung bình trị giá khoảng 2,000 USD thì chỉ cần con số là chục hay cả trăm người thì công ty đã “ăn chặn” bao nhiêu tiền? Liệu công ty mẹ ở Mỹ có biết chuyện này hay không, hay đây chỉ là cách mà những nhân viên Unicity Marketing Việt Nam "ăn chặn" quyền lợi của Nhà phân phối?.

Theo GP&PL/SHTT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục