Cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đang trở thành hiện tượng trên thị trường chứng khoán khi giảm sàn kỷ lục 25 phiên liên tiếp với diễn biến thanh khoản vô cùng bất thường và trong diện nghi ngờ có dấu hiệu thao túng giá cổ phiếu.
Trước thông tin này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố trên trang điện tử đã nắm nắm được thông tin liên quan tới diễn biến cổ phiếu FTM.
Hiện tại, UBCKNN, HOSE và các đơn vị chức năng liên quan đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin.
UBCKNN cho biết do sự việc mới đang trong quá trình triển khai nên chưa có thông tin chi tiết, cụ thể nên khi có thông tin chính xác sẽ cung cấp kịp thời, đầy đủ tới các cơ quan thông tấn, báo chí theo quy định.
Phía UBCKNN cho biết thêm: “Đây là sự việc nhận được sự quan tâm của thị trường và dư luận, do đó lãnh đạo UBCKNN đã quán triệt tinh thần với các đơn vị chuyên môn là tiến hành một cách nghiêm túc, cẩn trọng, tuân thủ các quy định pháp luật và xử lý nghiêm nếu phát hiện các sai phạm. UBCKNN rất mong muốn nhận được sự phối hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền thông chính xác, kịp thời, minh bạch tới nhà đầu tư và thị trường”.
Theo Báo Đầu tư chứng khoán thì số lượng công ty chứng khoán bị thiệt hại liên quan tới cổ phiếu FTM lên tới số 11 và thêm 1 ngân hàng liên quan.
Sau cuộc họp của các đơn vị bị hại, các công ty chứng khoán và ngân hàng đã đưa ra nhận định cổ phiếu FTM có nhiều dấu hiệu bị thao túng giá bởi cổ đông lớn Lê Mạnh Thường - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của FTM, đã từ nhiệm từ tháng 4/2019 và các cá nhân là các chủ tài khoản tại 13 công ty chứng khoán.
Ông Lê Mạnh Thường - cựu Chủ tịch của FTM
Các công ty chứng khoán cho biết, các cá nhân mở tài khoản và vay margin đều thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường và có địa chỉ cư trú tại Thái Bình và là người có liên quan tới ông Thường. Đồng thời, các chủ tài khoản hoàn toàn không biết về các giao dịch đã được thực hiện trên tài khoản mang tên họ được mở tại các công ty chứng khoán.
Cũng theo Báo Đầu tư chứng khoán các công ty chứng khoán có dư nợ cho vay cầm cố cổ phiếu FTM đã không thể bán giải chấp thu hồi vốn dẫn đến thiệt hại ước tính lên đến gần 200 tỷ đồng, trong đó có công ty mất vốn đến 80 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong vụ việc nghi ngờ có dấu hiệu thao túng cổ phiếu FTM thì phía các công ty chứng khoán bị hại cho biết đã tìm kiếm các bằng chứng về việc đặt lệnh của các tài khoản và được biết, phần lớn các tài khoản đều thực hiện đăng nhập và đặt lệnh thông qua các địa chỉ IP giống nhau và có địa chỉ đăng ký tại 2 tòa nhà ở Hà Nội là tầng 6 tòa nhà Lya Building, số 24, ngõ 12, phố Đào Tấn, Ba Đình và tầng 9, tòa nhà Icon 4, số 243 La Thành, Hà Nội.
Đây là địa chỉ kinh doanh cũ và mới của CTCP SMD Holdings – trung gian thực hiện thao túng giá cổ phiếu và là công ty có nhiều nhân viên môi giới và cộng tác viên là người trực tiếp đi liên hệ mở tài khoản chứng khoán cho nhóm khách hàng trên.
Diễn biến giá cổ phiếu FTM từ đầu năm đến nay (Nguồn: VNDirect)
Kết phiên 19/9 cổ phiếu FTM chốt ở 3.980 đồng/cp, giảm sàn phiên thứ 25 liên tiếp. Vốn hoá của FTM đã "bốc hơi" khoảng 83% kể từ giữa tháng 8 đến nay.
Trước màn lao dốc của FTM, cổ phiếu này đã có đợt tăng giá "khủng" hơn 65% từ mức 15.000 đồng/cp lên 25.000 đồng/cp trong nửa năm.
Gia Bảo