Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dẫn đầu thị trường tỷ USD của tương lai

Việc phát triển ô tô điện đồng nghĩa với việc phải đầu tư các trạm sạc. Với tiềm năng rất lớn trong tương lai, trạm sạc như một miếng bánh béo bở và được xem là mỏ vàng cho các nhà đầu tư.

Miếng bánh béo bở

Tại Việt Nam, để hỗ trợ cho xe điện phát triển, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi như: miễn phí trước bạ 0% cho các xe mới (từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2025); thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho xe điện giảm từ 15% xuống còn 3%, áp dụng đến ngày 28/2/2027.

Bên cạnh hỗ trợ chính sách, cơ sở hạ tầng (hệ thống trạm sạc cho xe điện) cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường xe điện. Bởi vậy, nhiều nước đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xe điện và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua về hạ tầng trạm sạc.

Nhờ sự đầu tư quyết liệt của VinFast, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có lượng cổng sạc hàng đầu khu vực cũng như thế giới. Chỉ tính riêng trạm sạc của VinFast, hiện đã có khoảng 150.000 cổng sạc phủ khắp cả nước. Tính đến hết năm 2023, trạm sạc điện của VinFast đã có mặt tại 125 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tại 63 tỉnh, thành phố. So với năm 2022, số cổng sạc VinFast đã triển khai tại Việt Nam tăng trưởng đến gần 75%. Mạng lưới trạm sạc của VinFast đạt mật độ khoảng 3,5km/trạm, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận.

Số lượng 150.000 cổng sạc của Việt Nam hiện đã vượt xa một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Chẳng hạn, Thái Lan hiện có khoảng 8.700 cổng sạc, Singapore có khoảng 3.600 cổng sạc và dự kiến sẽ đạt con số cổng sạc lên 40.000 cổng vào năm 2030. Thậm chí, con số này còn vượt qua nhiều nước tại Châu Âu như: Hà Lan (có khoảng hơn 120.000 cổng sạc), Pháp (khoảng 84.000 cổng), Đức (khoảng 77.000 cổng sạc),… Trong khi đó, trên khắp nước Mỹ cũng chỉ có hơn 131.000 cổng sạc xe điện công cộng trong năm 2023.

Nếu tính theo tỷ lệ dân số, số lượng trạm sạc tại Việt Nam đang đạt mức trung bình là 15 cổng sạc xe điện cho mỗi 10.000 người Việt. Con số này gấp 5 lần tỷ lệ ở Mỹ, khi chỉ đạt tỷ lệ 3 cổng sạc cho mỗi 10.000 người.

Mới đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cũng công bố thành lập Công ty Phát triển trạm sạc Toàn cầu V-GREEN, đơn vị đóng vai trò đối tác phát triển mạng lưới trạm sạc trên toàn cầu cho VinFast. Tại Việt Nam, V-GREEN đặt kế hoạch đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để xây mới, nâng cấp hệ thống trạm sạc.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2023 đã có hơn 20.000 ô tô điện được sử dụng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, số lượng trạm sạc trên đường còn thiếu, không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các phương tiện chạy bằng điện.

Theo quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đến năm 2050, Việt Nam sẽ xây dựng hơn 9.000km đường cao tốc, gấp gần 8 lần hiện tại. Các cao tốc sẽ có trạm dừng nghỉ và đây sẽ là nơi có thể đặt trạm sạc xe điện. Với công nghệ hiện nay, mỗi xe điện di chuyển quãng đường khoảng 180-300km/lần sạc. Muốn đi đường dài chắc chắn cần trạm sạc dày đặc.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dẫn đầu thị trường tỷ USD của tương lai - Ảnh 1

Theo HSBC, chìa khóa để vượt qua những rào cản để phổ biến ô tô điện tại Việt Nam nằm ở đầu tư cơ sở hạ tầng. Các chuyên gia của HSBC ước tính chỉ riêng lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới theo dự báo sẽ cần khoảng 12,3 tỷ USD đầu tư trong giai đoạn 2024-2040. Do đó, các chuyên gia cho rằng nhu cầu trạm sạc tại Việt Nam đang rất cao, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Trọng, chuyên gia tài chính từng tham gia xây dựng nhiều dự án giao thông, đánh giá khả năng thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này rất khả thi. Hiện toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam có 39 trạm dừng nghỉ, giả định đến năm 2050 toàn bộ phương tiện lưu hành là xe điện thì sẽ cần đầu tư khoảng 7.800 điểm sạc, trung bình 200 điểm sạc/trạm nghỉ. Để đầu tư được cơ sở hạ tầng này sẽ cần khoảng 2,2 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2050.

Theo ông Trọng, dự tính mỗi lần xe điện sạc 30 phút, đầy 80% pin, chi phí người tiêu dùng cần trả khoảng 75.000 đồng. Khả năng chi trả của chủ sở hữu xe điện tốt hơn so với xe xăng do xe điện có chi phí vòng đời và vận hành tốt hơn. Nếu tính tỷ suất lợi nhuận cao hơn 4% so với lãi suất ngân hàng thì về lâu dài, các nhà đầu tư trạm sạc có thể hoàn vốn và có lãi. Chính vì vậy, để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào phát triển hạ tầng trạm sạc, điều quan trọng nhất là phải đẩy nhanh tốc độ chấp nhận xe điện của người dân. Đồng thời, cho phép các đơn vị tư nhân được phép thu phí dịch vụ sạc để thu hồi vốn.

Nguồn thu giàu tiềm năng

Theo TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng hệ thống cơ sở vật chất hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu của xe điện. Nếu phát triển phương tiện giao thông điện quá nhanh trong khi khả năng cung ứng và hạ tầng điện chưa đáp ứng được, sẽ là rào cản rất lớn về mặt kỹ thuật.

“Để thu hút người dân mua xe điện, cần đảm bảo khả năng đáp ứng đầy đủ hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng thuận tiện. Trong khi thực tế, mạng lưới trạm sạc cho các tuyến đi từ thành phố này sang thành phố khác, tỉnh này sang tỉnh khác vẫn còn hạn chế”, ông Sơn chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, cho rằng: “Để chuyển đổi sang xe điện thành công thì yếu tố tiên quyết là hạ tầng trạm sạc. Vì vậy, để hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện thì Chính phủ nên tập trung vào hỗ trợ xây dựng các trạm sạc trước tiên. Bên cạnh đó, cần có những chính sách để khuyến khích đối với các nhà sản xuất phương tiện xe điện, đặc biệt là nhà sản xuất trong nước”.

Ngoài ra, bà Hiền cũng cho rằng cần có những chiến dịch tuyên truyền nhận thức cho xã hội có những thông tin đầy đủ, đúng đắn về hiệu quả của các phương tiện xe điện, từ đó họ sẽ ủng hộ chủ trương chuyển đổi xe điện của Chính phủ.

Hiện nay, ngoài hãng xe VinFast tiên phong đầu tư hàng trăm triệu USD vào hệ thống các trạm sạc điện thì các hãng xe khác vẫn “bình chân như vại” dù đã mở bán xe điện ra thị trường. Đa phần các hãng xe đều lựa chọn giải pháp đó là dựng trạm sạc tại đại lý, bán bộ sạc cho người mua xe điện để sử dụng tại nhà hay kết hợp với bên cung cấp thứ ba.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, chuyên gia ô tô nguyễn Minh Đồng, từng là chuyên gia thiết kế định hướng của tập đoàn xe hơi Volkswagen (Đức), cho biết: “Hiện nay số lượng trạm sạc tại Việt Nam vẫn còn thấp, chưa đại trà mà chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Vì lẽ đó, người tiêu dùng trong nước chưa thực sự mặn mà chuyển đổi sang dùng xe điện".

Theo ông Đồng, đầu tư cho hạ tầng trạm sạc rất tốt kém, lên tới hàng tỷ USD. Nếu Việt Nam phủ sóng hạ tầng trạm sạc trải dài từ Cà Mau tới Lào Cai thì tiêu tốn cả tỷ USD. Ông dẫn chứng tại thị trường Đức, đầu tư cho một trụ trạm sạc điện thường (sạc chậm) sẽ rơi vòng khoảng 9.000 euro (khoảng 230 triệu đồng). Trong khi đó, đầu tư cho trạm sạc nhanh vào khoảng 12.000 – 13.000 euro (khoảng 306 đến 332 triệu đồng).

Ông Đồng cũng đánh giá việc Bộ GTVT ban hành Thông tư số 09/2024 quy định tất cả các trạm dừng nghỉ mới xây dựng trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ hay đường tỉnh đều bắt buộc phải tích hợp trạm sạc xe điện kể từ ngày 5/10/2024, sẽ là động lực cho các nhà đầu tư tham gia vào mảng hạ tầng trạm sạc đầy tiềm năng này.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dẫn đầu thị trường tỷ USD của tương lai - Ảnh 2

Dưới góc độ kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính, chuyên gia kinh tế nhận định: “Sử dụng xe điện là xu hướng tất yếu của hoạt động vận tải toàn cầu, vì thế song song với việc sản xuất xe điện thì việc phát triển hạ tầng trạm sạc là điều bắt buộc và luôn song hành cùng nhau”.

Ông Thịnh lấy ví dụ, tại Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có chiến lược thành lập một công ty chịu trách nhiệm đầu tư toàn bộ hạ tầng xe điện. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của vị tỷ phú này không chỉ xây dựng trạm sạc ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Ông Vượng đã đưa ra một chiến lược rất rõ ràng. Cụ thể, tại Việt Nam công ty này cũng sẽ chịu trách nhiệm vận hành, quản lý hệ thống trạm sạc sẵn có của VinFast đồng thời sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để xây mới và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà vị chuyên gia kinh tế này đề cập đến đó là vốn đầu tư cho hệ thống trạm sạc điện rất lớn. Vì vậy, những doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính mạnh sẽ khó có thể tham gia vào thị trường này.

“Tôi lấy ví dụ, để có thể phủ sóng các trạm sạc tại các hầu hết các tỉnh, thành phố thì diện tích đất sử dụng dùng làm trạm sạc là rất lớn. Khi đó, không chỉ khoản đầu tư về thiết bị, vật tư trạm sạc, mà còn phát sinh thêm các khoản chi phí rất lớn khác như chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở vật chất,…”, ông Thịnh cho hay.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dẫn đầu thị trường tỷ USD của tương lai - Ảnh 3

Trong khi đó, chuyên gia ô tô Lê Vương Thịnh cho biết: “Hạ tầng trạm sạc xuyên suốt vẫn là lý do thuyết phục nhất để khách hàng mua xe điện. Ngoài VinFast, đến hiện tại chưa có hãng xe điện thứ hai nào có thể thành công tại thị trường Việt Nam vì họ chưa thể xây dựng một hệ thống trạm sạc cho khách hàng trong ngắn hạn. Dù đã có một số bên thứ 3 nhảy vào thị trường trạm sạc nhưng tốc độ phát triển vẫn còn rất chậm. Vì vậy, VinFast cần phải giữ ưu thế cạnh tranh về hạ tầng trạm sạc càng lâu càng tốt”.

Trong khi đó, chuyên gia ô tô Lê Trường Giang cho rằng hạ tầng sạc điện là bài toán cần giải quyết, rồi mới tính đến chuyện phát triển ngành ô tô điện. Các hãng xe mở bán xe điện tại Việt Nam đều hứa hẹn sẽ phát triển hạ tầng trạm sạc nhưng thực tế chỉ bán xe, chưa ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng. Điều này rất nguy hiểm.

Do đó, vị chuyên gia này kiến nghị cần có chính sách ràng buộc các hãng xe, doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất ô tô điện tại Việt Nam cùng đầu tư hạ tầng trạm sạc, gia tăng tiện ích cho khách hàng thay vì chỉ chăm chăm bán xe kiếm lời.

Lê Ngà

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục