Tỷ giá nhạy cảm sau điều chỉnh

(Kinhdoanhnet) - Một sự thay đổi dù rất nhỏ của tỷ giá cũng gây ra nhiều tác động khác nhau đến thị trường nói chung.

Thị trường ngoại tệ ít nhiều bị tác động khi NHNN điều chỉnh tỷ giá. Có ba nguyên do, thứ nhất, việc biến động tỷ giá có thể là do NHNN hạn chế bán USD cho các NHTM. Thứ hai, ngân hàng cũng hạn chế cho vay USD, chỉ cho vay đối với những đối tượng có nhu cầu thực sự cấp thiết. Thứ ba, tỷ giá biến động là sự chênh lệch của giá vàng. Giá vàng của Việt Nam hiện nay vẫn cao hơn giá vàng thế giới.

Nếu để khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rộng ra, sẽ dẫn tới buôn lậu. Buôn lậu cần ngoại tệ sẽ tạo ra áp lực tăng tỷ giá.

Tỷ giá là một trong những nội dung quan trọng của chính sách tiền tệ, tác động lớn đến giá trị của đồng nội tệ và lạm phát. Kinh tế vĩ mô hiện nay của chúng ta tuy đã dần ổn định, lạm phát từng bước được kiềm chế nhưng chưa vững chắc, rủi ro bất ổn vĩ mô vẫn còn nhiều, lạm phát có khả năng quay trở lại. Một sự thay đổi dù rất nhỏ của tỷ giá cũng gây ra nhiều tác động khác nhau đến thị trường nói chung.

Tỷ giá nhạy cảm sau điều chỉnh - Ảnh 1

Đến chiều 3/7, giá USD bán ra của các NHTM đã rút về còn phổ biến 21.330 VND. Mức giảm 50 VND so với mức cao nhất một tuần trước là khá mạnh.

Doanh nghiệp và người dân đắn đo với việc có nên mua thời điểm này hay không, bởi nếu không mua ngay giá USD có thể còn tăng nữa, nếu mua ngay giá có thể sẽ sớm giảm theo chủ trương bình ổn của NHNN thì chi phí cho khoản thanh toán là đáng kể.

Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ liên tiếp tăng cao trong những tháng đầu năm. Doanh nghiệp vay USD lãi suất rất thấp, rẻ hơn nhiều so với vay VND, lại được bảo đảm hạn chế rủi ro tỷ giá. Đây chủ yếu là những khoản vay ngắn hạn, phục vụ thanh toán hàng nhập khẩu, và một phần dùng để chuyển đổi lấy VND đầu tư sản xuất kinh doanh trong nước.

Với những doanh nghiệp xuất khẩu, có nguồn thu ngoại tệ đối ứng trong tương lai, họ vay USD, bán lại cho ngân hàng, tạo cung USD thương mại cho thị trường. Để hạn chế rủi ro, họ tính toán khoản vay đáo hạn trước khi có khả năng NHNN điều chỉnh tỷ giá để đóng vị thế, nên chủ yếu là vay ngắn hạn. Đây là vòng quay chuyển đổi vốn từ ngoại tệ có trong hoạt động doanh nghiệp.

Khi tỷ giá biến động vừa qua, lại khớp thời điểm với lần điều chỉnh cùng kỳ năm ngoái, hẳn có những ngân hàng phải lo, tăng mua USD để trả lại phần ngoại tệ đã chuyển đổi, cũng như tránh rủi ro chi phí cao nếu đóng sau điều chỉnh. Nhu cầu mua này càng gây áp lực đối với tỷ giá trong biến động vừa qua.

Từ đầu năm, NHNN đưa ra định hướng, cam kết ổn định gắn với khoảng biến động cụ thể của tỷ giá. Các cá nhân, tổ chức căn theo đó để ứng xử, hoàn toàn có quyền “lợi dụng” điều đó để sử dụng vốn sao cho có lợi. Còn làm sao để có lợi nhất, dĩ nhiên tùy thuộc vào điều kiện của mỗi thành viên.

Vào cuối năm, khi các vòng quay chuyển đổi vốn nói trên khép lại, có khả năng cầu ngoại tệ có thể sẽ mạnh lên và gây áp lực tới tỷ giá. Nhưng dù vậy, nắm giữ USD sẽ không có lợi hơn so với VND, khi mà cam kết của NHNN vẫn là một chốt chặn có uy lực.

Tỷ giá ổn định không có nghĩa là cố định, không cứng nhắc, mà ổn định trong trạng thái động. Việc điều chỉnh tỷ giá cần phải được tiến hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường, giống như sản xuất cho ai, sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào cũng đều phải phụ thuộc vào thị trường.

P.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục