Trong khi hầu hết ngân hàng giữ nguyên tỷ giá, Vietcombank tăng giá USD cả chiều mua vào, bán ra. Cụ thể, Vietcombank nâng giá USD thêm 6 đồng cả chiều mua và bán lên 21.186 – 21.246 đồng/USD.
Tỷ giá tại ACB và Eximbank duy trì ở 21.155 – 21.235 đồng/USD. Giá mua vào USD tại BIDV là 21.175 đồng/USD, giá bán ra là 21.240 đồng/USD, tại VietinBank lần lượt 21.180 – 21.240 đồng/USD, không đổi so với hôm qua. Tỷ giá tại Techcombank là 21.160 – 21.246 đồng/USD. Giá USD niêm yết tại Ngân hàng Nhà nước là 21.100 – 21.246 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 21.036 đồng/USD. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong hơn 10 tháng qua giá USD tại ngân hàng thương mại lên mức kịch trần.
Tỉ giá đã từng tăng mạnh trong các tuần giữa tháng 5 và đà tăng này tiếp tục nóng lên bất chấp sự trấn an của Ngân hàng Nhà nước về nguồn cung ngoại tệ vẫn đang dồi dào.
Tại Vietinbank, giá đôla bán ra ở mức cao nhất được phép là 21.246 đồng. Riêng Techcombank đã chào mức trần từ cuối giờ chiều hôm qua.
Một số ngân hàng khác đang bán ra từ 21.240 đến 21.245 đồng (cách trần tỷ giá khoảng 1-4 đồng một đôla). Như tại ACB, Eximbank, BIDV, Maritime Bank hay Sacombank..., giá bán đồng loạt ở 21.245 đồng. Giá bán ra tại Vietcombank thấp hơn một chút khi niêm yết mua bán ở 21.180 - 21.240 đồng một đôla Mỹ.
So với cách đây 2 ngày, đôla ngân hàng đã tăng từ 40-50 đồng, lên mức cao nhất gần một năm qua. Trao đổi với VnExpress, đại diện Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết nhà điều hành đã nắm rõ hiện tượng này và vẫn đang theo dõi rất sát sao tình hình.
Lý giải về đợt tăng mạnh lần này, phó tổng giám đốc một ngân hàng phụ trách lĩnh vực nguồn vốn và ngoại tệ cho rằng đây là diễn biến phản ánh cung cầu của thị trường. "Tuy nhiên, dù tỷ giá tăng thì cũng trong khung được phép của Ngân hàng Nhà nước", ông nói.
Còn theo ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc nghiệp vụ ngân hàng toàn cầu, kinh doanh vốn và ngoại hối của HSBC Việt Nam cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến biến động về tỷ giá:
Thứ nhất, căng thẳng ở biển Đông tạo nên tâm lý bất ổn trên thị trường.
Thứ hai, khi tỷ giá rất ổn định trước đó, nhiều ngân hàng sử dụng trạng thái âm ngoại tệ để hưởng chênh lệch lãi suất giữa VND với USD. Họ kỳ vọng và tin tưởng tỷ giá sẽ không biến động nhiều. Nhưng khi có thay đổi tâm lý trên thị trường, các ngân hàng phải đóng trạng thái lại, tạo nên áp lực nhất định.
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng kỳ vọng tỷ giá không nhiều biến động nên bán kỳ hạn, bán trước mặc dù doanh thu chưa về. Việc bán này là tốt cho họ, giúp họ hưởng thêm phần chênh lệch lãi suất giữa VND với USD. Khi có biến động, họ cũng đóng lại các hợp đồng trước hạn. Khi đóng như vậy thì ngân hàng phải làm ở chiều ngược lại, đi ra thị trường để mua ngoại tệ.
Thứ tư, bản thân khi nhìn vào trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng hiện nay, ẩn trong đó là sản phẩm mà họ đã chào khoảng hai năm trở lại đây: cho vay VND với lãi suất USD. Các ngân hàng phải làm âm trạng thái, dùng VND chuyển đổi được để cho vay.
Có hai trạng thái, trạng thái chuyển đổi USD để lấy VND cho vay, trạng thái mua bán ngoại tệ. Khi nhìn tổng trạng thái của các ngân hàng thì thấy vẫn cân bằng, nhưng ở trạng thái chuyển đổi để lấy VND thì nó đã âm đáng kể, ngân hàng giữ một trạng thái dương cho danh mục kinh doanh ngoại tệ. Nhìn tổng thể thì khá cân bằng, nhưng khi phải đóng trạng thái chuyển đổi thì cũng ảnh hưởng nhất định đến thị trường.
Cuối cùng, có thể vẫn quay lại yếu tố đầu tiên. Với tình hình biển Đông, mọi người chưa nhìn thấy giải pháp cụ thể. Còn một số sự cố ngoài mong muốn thì việc xử lý và thích ứng khá là nhanh. Ngay cuối tuần vừa rồi Chính phủ đã đưa ra thông điệp và biện pháp xử lý nhanh. Tình hình cũng sớm ổn định trở lại, các doanh nghiệp bắt đầu trở lại sản xuất kinh doanh từ đầu tuần này. Nhưng mà sự căng thẳng trên biển Đông vẫn còn, vẫn tạo sự lo lắng nhất định, vẫn chưa lường tính được hết ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là với thị trường Trung Quốc.
Chu Quỳnh (TH)