Theo Bloomberg, có nhiều ý kiến trái ngược về việc liệu Bắc Kinh có thể hướng NDT đến hình ảnh của sự ổn định hay không sau một năm đồng tiền sụt giá.
Năm 2016, giá NDT đã giảm gần 7%, mức giảm mạnh nhất so với đồng USD kể từ năm 1994. Ảnh minh họa
Theo giới phân tích từ ngân hàng Barclays cho đến Citigroup và Societe Generale, trong giỏ tiền tệ mới sẽ định giá NDT của Hệ thống Ngoại hối Trung Quốc, vốn có hiệu lực từ ngày 1/1, tỷ lệ đồng bạc xanh hạ từ 26,4% xuống 22,4% trong khi 11 đồng tiền mới, trong đó có đồng won của Hàn Quốc, lira của Thổ Nhĩ Kỳ và zloty của Ba Lan được thêm vào giỏ tiền.
Sự thay đổi trên đến giữa lúc các luồng vốn thoái khỏi Trung Quốc đang đi lên. Dự trữ ngoại hối nước này sụt giảm và USD, yếu tố tham khảo chính cho giá trị của nhân dân tệ nhìn từ quan điểm của các thị trường tài chính, thì tăng giá mạnh.
Ngân hàng Goldman Sachs thì cho rằng sự mở rộng của các chỉ số chuẩn có vẻ hiệu quả vì nó “giảm bớt mối lo ngại của thị trường về nguy cơ nhân dân tệ giảm giá đáng kể”. Các nhà phân tích thuộc Goldman Sachs, trong đó có chuyên gia MK Tang và Yu Song, cho hay: “Giỏ tiền tệ mới sẽ để việc hạ giá CNY ít hơn phần nào và đem lại ít biến động hơn”.
Giới phân tích tại Barclays đồng ý rằng dù giỏ tiền mới “không khác biệt đáng kể” so với phiên bản cũ, sự mờ nhạt trong vai trò của đô la Mỹ nhờ việc bổ sung các gương mặt mới thật sự có nghĩa là nhân dân tệ có thể “ít biến động” trong năm nay.
Theo thông báo từ Hệ thống Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc (CFETS), từ ngày 1/1, số tiền tệ trong rổ ngoại tệ đã tăng từ 13 lên 24. Rổ này chứa tiền tệ các đối tác thương mại của họ và được dùng để tính tỷ giá tham chiếu ngày cho NDT.
Trung Quốc cho biết việc này nhằm phần nào giảm ảnh hưởng của USD. Đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ - Donald Trump đe dọa gắn mác "thao túng tiền tệ" cho Bắc Kinh.
Ảnh hưởng trực tiếp của rổ tiền tệ mới là chỉ số đồng NDT có thể tăng, dù USD tăng, do tác động từ đồng USD mạnh sẽ được bù trừ bằng sự yếu đi của các tiền tệ mới nổi trong rổ. Tuy nhiên, tỷ trọng mới cũng tiềm ẩn rủi ro biến động lớn giữa USD và NDT, nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách neo vào rổ tiền tệ, OCBC cho biết.
Các nhà phân tích tại ANZ cũng chung quan điểm này. "Khi tỷ trọng các đồng tiền dễ biến động tại các nước mới nổi tăng lên, biến động của tỷ giá tham chiếu và giao ngay giữa NDT và USD cũng vậy. Chính sách tại Mỹ chưa rõ ràng có thể càng khiến việc này trầm trọng", họ cho biết.
Năm 2016, giá NDT đã giảm gần 7%, mức giảm mạnh nhất so với đồng USD kể từ năm 1994 dưới áp lực của tăng trưởng kinh tế và đồng USD mạnh. Còn so với rổ tiền tệ, đồng tiền này mất 6%.
Với việc nhân dân tệ vẫn đang suy yếu và dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm đều đặn, các chuyên gia đã thảo luận về khả năng có một lần phá giá thứ hai, nhưng những có rất ít dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách sẽ xem xét động thái này.
Phương Anh