Theo thông tin từ ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Giám đốc VAMC cho biết, tính đến hết ngày 15/06/2015 Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) đã duyệt mua 28.194 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. Như vậy kể từ khi hoạt động đến nay tổ chức này đã mua được 143.800 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, góp phần không nhỏ giúp các tổ chức tín dụng giảm dư nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo kế hoạch trong 6 tháng tới, VAMC sẽ tiếp tục thực hiện thu mua nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, triển khai công tác xử lý nợ nhằm thực hiện theo mục tiêu tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu tổ chứng tín dụng, phấn đấu đến cuối năm đưa nợ xấu xuống dưới 3% của Ngân hàng Nhà nước.
Từ năm 2016, VAMC sẽ tập trung toàn lực vào việc bán nợ xấu
Đồng thời ông Hùng còn cho biết thêm hiện VAMC đang đặt ra mục tiêu từ năm 2016 trở đi sẽ tập trung toàn lực vào việc bán nợ, bán tài sản đảm bảo. Bởi từ năm 2016 toàn bộ nợ xấu đã về mức 3% do đó các ngân hàng sẽ không nhất thiết phải bán nợ xấu cho cơ quan này nữa.
Trong năm tới nếu có những khoản nợ xấu phát sinh thì VAMC cũng sẽ thực hiện mua nợ theo giá thị trường và hạn chế dần việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt. Bởi việc mua nợ xấu theo giá thị trường sẽ tạo cơ chế giúp cho quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh và thuận lợi hơn.
Trước đó vào ngày 5/4, Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC đã chính thức có hiệu lực cho phép tổ chức này được mua nợ theo giá thị trường.
Cụ thể, VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường trên cơ sở kế hoạch phát hành trái phiếu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Theo đó để mua nợ, VAMC được phát hành trái phiếu theo 4 phương thức: đấu thầu phát hành; bảo lãnh phát hành; đại lý phát hành; bán trực tiếp.
Chia sẻ về chiến lược mua bán nợ xấu trong thời gian tới, Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Hùng cho biết VAMC xây dựng trên cơ sở phân loại các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt để thực hiện mua đứt theo giá trị thực tế. Đồng thời, tổ chức đấu giá phát mại tài sản theo quy định hoặc tham gia góp vốn, chuyển nợ thành vốn góp để tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất. Còn đối với các khoản nợ có khả năng hồi phục, tổ chức này sẽ tiếp tục cơ cấu các khoản nợ này. Thậm chí nếu tiềm lực đủ mạnh, VAMC sẽ hướng đến việc bỏ vốn mua cổ phần để tham gia tái cấu trúc tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên để có thể thực hiện được những công việc nêu trên, VAMC cần được trang bị đầy đủ về nguồn lực tài chính, nguồn lực con người và đặc biệt quan trọng là cần phải có hành lang pháp lý đủ mạnh, thậm chí có riêng một sắc luật về xử lý nợ xấu để có thể xử lý nhanh chóng và triệt để các khoản nợ xấu đã mua.
Ngọc Anh (TH theo Vietnamplus; TT; ĐTCK)