Vướng nhiều “lùm xùm”
Theo thông tin báo chí đã đăng tải những ngày qua nhiều phụ huynh đến Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders (tại Đồng Nai) để đòi lại học phí do đơn vị này vi phạm cam kết chất lượng, đồng thời nợ lương giáo viên. Tình trạng nợ lương giáo viên và nhân viên cũng bị phản ánh ở nhiều tỉnh thành khác thuộc hệ thống này.
Không chỉ vậy nhiều phụ huynh phản ánh Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng bất ngờ "bốc hơi", ôm theo học phí của hàng trăm học sinh.
Trước sự việc này, ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) đã gửi công văn giải trình đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về các thông tin liên quan đến CTCP Anh ngữ Apax (Apax English) xuất hiện trên báo chí thời gian gần đây. Trong đó thừa nhận những vấn đề đang tồn tại của Apax English và lãnh đạo của Apax English cũng đã và đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.
Trong thông cáo báo chí ngày 21/11, Apax Leaders cho biết sẽ tiến hành kế hoạch tái cấu trúc các trung tâm đào tạo Anh ngữ trong hệ thống kể từ 25/11/2022 và dự kiến kết thúc vào hết quý I năm 2023. Một số trung tâm đặc thù có thể tiến hành sớm hơn với mục tiêu nâng cao sự ổn định và chất lượng trong hoạt động giảng dạy.
Bị cưỡng chế thuế
Ngày 23/11, CTCP Đầu tư Apax Holdings (mã: IBC) đã công bố thông tin về việc nhận được quyết định cưỡng chế thuế bằng biên pháp phong tỏa tài khoản từ Cục Thuế TP. Hà Nội. Theo đó, ngày 16/11, Cục Thuế TP Hà Nội đã ra 17 quyết định gửi đến 9 ngân hàng và các chi nhánh bao gồm Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) là những ngân hàng mà Apax Holdings đã mở tài khoản tiền gửi.
Đồng thời, Cục thuế Hà Nội yêu cầu các ngân hàng và chi nhánh này cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Apax Holdings với tổng số tiền hơn 5,62 tỷ đồng.
Trong đó, thuế thu nhập cá nhân là hơn 1,6 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 3,3 tỷ đồng; tiền chậm nộp các loại thuế là hơn 558 triệu đồng. Nguyên nhân doanh nghiệp này bị cưỡng chế thuế do người nộp thuế có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật quản lý thuế.
Apax Holdings (IBC) hiện kinh doanh ra sao?
Về tình hình kinh doanh của Apax Holdings (IBC), theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu gần 374 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Chi phí quản lý tăng gấp đôi và lỗ từ hoạt động khác hơn 2,5 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn 776 triệu đồng. Đặc biệt trong quý này, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 6,4 tỷ đồng.
Nhờ các quý trước có lãi, lũy kế 9 tháng, doanh thu của doanh nghiệp giảm 24% so với cùng kỳ, đạt gần 1.043 tỷ đồng do doanh thu công ty mẹ giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn đạt gần 24 tỷ đồng. Công ty mẹ thu về 12,5 tỷ đồng, giảm 22,5% so cùng kỳ. So với kế hoạch doanh thu 2.190 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 141 tỷ đồng đặt ra cho năm 2022, doanh nghiệp thực hiện được 48% chỉ tiêu doanh thu và 17% mục tiêu lợi nhuận.
Dựa vào báo cáo tài chính cũng có thể thấy tính đến cuối quý 3 năm nay doanh nghiệp đang gánh khoản nợ ngắn hạn phải trả người lao động hơn 55,8 tỉ đồng, tăng hơn 330 triệu đồng so với hồi đầu năm.
Tổng khoản nợ phải trả của doanh nghiệp đang nằm mức trên 3.190 tỉ đồng, nhiều hơn gấp đôi so với vốn chủ sở hữu (xấp xỉ 1.618 tỉ đồng). Điều này cho thấy doanh nghiệp đang có vốn chủ sở hữu khá mỏng, hoạt động kinh doanh chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tiền vay nợ.
Tính đến cuối quý 3 năm nay, khối tài sản của Apax Holdings đạt mốc 4.808 tỉ đồng, tăng 4% so với hồi đầu năm.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết