Các tòa nhà cao tầng được xây dựng sát bờ sông Sài Gòn
Sở Xây dựng TP.HCM vừa lên kế hoạch kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng hành lang bờ sông Sài Gòn tại các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn 9 quận/huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Thạnh, Thủ Đức, 1, 2, 4, 7 và quận 12.
Tư hữu hóa sông Sài Gòn
Thời gian kiểm tra từ nay đến ngày 3/1/2020. Sau đó, khoảng giữa tháng 1/2020, các cơ quan chức năng sẽ tổng hợp kết quả, báo cáo UBND TP.
Đối tượng kiểm tra là 88 dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được phê duyệt tiếp giáp với bờ sông Sài Gòn và 13 dự án đầu tư xây dựng nhà ở có hành lang bảo vệ sông Sài Gòn khác.
Sẽ có 3 đoàn kiểm tra do các Phó chánh thanh tra Sở Xây dựng làm trưởng đoàn. Đại diện Sở Nội vụ, Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND các quận, huyện làm thành viên các đoàn kiểm tra cùng các sở - ngành liên quan khác.
Theo thống kê vào cuối tháng 4/2019, hiện có 116 lô đất ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ sông Sài Gòn. Trong đó có đến 76 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng của 13 doanh nghiệp.
Đứng đầu bảng danh sách lấn bờ sông Sài Gòn là dự án nhà ở của Công ty Liên doanh ven sông Sài Gòn (Riverside - khu A) với 13 công trình nhà ở chỉ cách mép nước 7,5m. Xếp thứ 2 là Công ty TNHH Văn Minh có công trình nhà ở cách sông 10m; đáng nói công trình nhà ở vi phạm của công ty này đã bị ngành chức năng ra quyết định xử phạt yêu cầu tự tháo dỡ nhưng chủ đầu tư không chấp hành.
Tiếp đến là các công ty gồm: Công ty TNHH Hải Vương; Công ty TNHH XD Thế Minh; Công ty Liên doanh TNHH Sài Gòn Riviera; Công đoàn Công ty Thép Miền Nam; Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận; Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Bình; Công ty TNHH TM-DV Chiến Thắng; Công ty Cổ phần Eden; Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp miền Nam (Gelleximco MN); Công ty CP Tập đoàn SSG; Công ty Bình Thiên An...
Hiện sông Sài Gòn đang bị uốn nắn dòng chảy, bị lấn chiếm, xây dựng trái phép, bị tư hữu hóa, các tòa nhà cao tầng bao vây làm ảnh hưởng tới môi trường.
Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP thừa nhận trong công tác quản lý đã thiếu đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, những nơi có mật độ đô thị hóa cao như quận Thủ Đức, quận 2, quận Bình Thạnh vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Cần bộ quy chế mới
Mặc dù TP.HCM đã có 2 quyết định là 150/2004 và 22/2017 về quản lý và sử dụng hành lang ven bờ sông suối, kênh rạch. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư khi triển khai xây dựng lại dựa vào các quy hoạch cũ để lấn bờ sông.
Theo Luật Xây dựng, quy hoạch phải điều chỉnh theo pháp luật hiện hành khi dự án kéo dài chậm triển khai. Nghĩa là, bất kỳ ai, chủ công trình nào cũng đều không thể xin giấy phép dựa trên quy hoạch cách đây hơn chục năm và căn cứ vào đó để xây dựng. Trong khi đó, các văn bản thỏa thuận lại ký với các đơn vị không quản lý trật tự xây dựng để đổi lại cho phép làm nhà lấn sông là không đúng.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng cần xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh đối với quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để thực hiện thống nhất; kiến nghị điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM và sửa đổi, bổ sung Quyết định 22/2017/QĐ-UB của UBND thành phố để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước và khai thác nguồn lực kinh tế của quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch.
Để làm được điều đó, theo ông Châu thành phố cần chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững.
Ông Châu cũng kiến nghị kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để quy định giao đất cho chủ đầu tư dự án đến đến mép bờ cao sông rạch. Đồng thời đề nghị giao đất dự án cho chủ đầu tư đến mép bờ cao sông rạch và quy định chủ đầu tư dự án có trách nhiệm đầu tư xây dựng bờ kè bảo vệ, đường ven sông, công viên, các công trình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng trong khu vực quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch và được quyền khai thác, kinh doanh có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng khu đô thị bên bờ sông Sài Gòn là phù hợp để tận dụng những giá trị mà dòng sông đem lại, tạo thêm vẻ đẹp cho thành phố.
Tuy nhiên, cần tính toán kỹ về mật độ, chiều cao, quy mô dân số, đồng thời thành phố cũng cần có giải pháp đẩy nhanh việc phát triển hệ thống giao thông kết nối từ khu vực trung tâm, vùng hai bên bờ sông Sài Gòn ra ngoại ô. Nếu không, khu vực nội đô thành phố sẽ kẹt xe, ngập nước và ô nhiễm nguồn nước mà tương lai.
Theo Phương Uyên/Diendandoanhnghiep