Bỏ sổ hộ khẩu giấy, thêm nhiều trường hợp bị xóa cư trú, bỏ các điều kiện nhập khẩu vào Hà Nội, Tp HCM, rút ngắn một nửa thời gian đăng ký hộ khẩu... là những điểm mới đáng chú ý trong Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ 1/7.
Bỏ sổ hộ khẩu giấy, quản lý cư trú trên mạng
Theo lãnh đạo Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03)- Bộ Công an, khác với Luật hiện hành, Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực từ 1/7 đánh dấu bước thay đổi lớn là quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.
Cụ thể, cơ quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân được số hóa, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính.
"Với các giao dịch dân sự công dân chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện", lãnh đạo Cục V03 nhấn mạnh.
Tuy nhiên, kể từ ngày Luật này có hiệu lực vào 1/7, Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
Khi công dân đi làm các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú từ 1/7 thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú đã cấp, sau đó điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú.
Bổ sung hai trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú
Luật Cư trú sửa đổi 2020 cũng đã bổ sung một số trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú đối với: Người bị cách ly có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng; Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;
Địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Về việc bổ sung thêm quy định mới này, theo lãnh đạo Cục V03 lý giải là để "đảm bảo phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan như pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm…"
Thêm nhiều hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến cư trú, hộ khẩu
Tuy đã lược bỏ một số nội dung quy định về hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến Sổ Hộ khẩu, nhưng Luật Cư trú năm 2020 lại bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới như: Truy cập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú...
Lạm dụng việc sử dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú làm điều kiện để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; Đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.
Đưa, nhận hối lộ để làm sổ hộ khẩu có thể bị phạt đến 4 triệu đồng
Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật
Thu, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật; Tự đặt ra thời hạn, thủ tục, giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú; Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ, tài liệu về cư trú trái với quy định của pháp luật…
Bỏ các điều kiện ràng buộc khi nhập khẩu vào Tp HN, TP HCM
Qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Bộ Công an cho rằng, việc quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn.
Hơn nữa, việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú.
Từ thực tế này, Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 20), tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như phải có 3 năm tạm trú, có hợp đồng lao động laua dài...
"Việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân", lãnh đạo cục V03 nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo đại diện V03, việc bỏ các rào cản nhập khẩu vể Hà Nội, Tp HCM còn nhằm đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.
Rút ngắn một nửa thời gian đăng ký cư trú, hộ khẩu
So với Luật cũ, Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi Sổ Hộ khẩu; cấp lại Sổ Hộ khẩu; cấp Giấy chuyển hộ khẩu; đồng thời, quy định thủ tục đăng ký thường trú theo hướng đơn giản hóa.
Cụ thể theo các bước: Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú; sau đó cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký rồi cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu về cư trú; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
Với phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin này nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian. Theo quy định trước đây, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày, còn hiện nay là 7 ngày.
Bổ sung các địa điểm không được đăng ký thường trú
Cụ thể những địa điểm mà công dân không được đăng ký thường trú mới theo Luật Cư trú 2020 là những nơi ở không an toàn, không thể ở lâu dài hoặc nếu cho phép đăng ký thường trú mới tại chỗ ở đó vì sẽ phát sinh thêm phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự, quy hoạch phát triển địa phương.
Ngoài trường hợp được bổ sung này, Luật Cư trú năm 2020 quy định các địa điểm không được đăng ký thường trú mới, bao gồm: Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi…
Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.
Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Thêm nhiều trường hợp công dân bị xóa hộ khẩu, nơi cư trú
Để tránh tình trạng cư trú "ảo" (công dân đăng ký nơi thường trú nhưng thực tế không sinh sống tại đó và cũng không thông báo cho cơ quan quản lý cư trú), phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Luật cư trú mới đã bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú như:
Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng.
Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam (điểm đ khoản 1 Điều 24);
Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú ở chỗ ở mới.
Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú ở chỗ ở mới…
Theo lãnh đạo V03, việc xóa đăng ký thường trú nêu trên chỉ là xóa thông tin về nơi thường trú đang được đăng ký của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú trong trường hợp công dân không thực tế cư trú tại chỗ đó nữa.
Ngoài ra trường hợp đăng ký thường trú tại chỗ ở mới sẽ không phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường trú như hiện nay mà chỉ cần thực hiện thủ tục tại cơ quan đăng ký cư trú ở nơi cư trú mới.
Việc xóa đăng ký thường trú nhằm ghi nhận chính xác tình trạng cư trú của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ công tác quản lý dân cư nói chung và quản lý về cư trú nói riêng; không làm ảnh hưởng đến các thông tin cá nhân, thông tin về hộ tịch khác của công dân.
Từ ngày 1-7-2021- Công dân bị xóa hộ khẩu trong 9 trường hợp dưới đây
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết