Nghị định 38 về quản lý chất thải phế liệu sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6. Theo đó, tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải ký quỹ, chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng của mình.
Bên cạnh yêu cầu ký quỹ tối thiểu 10% và tối đa 20% giá trị lô hàng, Nghị định 38/2015/NĐ-CP cũng đưa ra một số quy định bắt buộc các DN nhập khẩu phế liệu phải chấp hành như: DN phải có kho bãi, công nghệ tái chế hiện đại không ảnh hưởng môi trường...
Đối với mặt hàng sắt, thép phế liệu nhập khẩu về Việt Nam, các DN phải thực hiện ký quỹ bảo đảm với số tiền quy định. Nhập 500 tấn, phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; từ 500 – 1.000 tấn phải ký quỹ 15% tổng giá trị và trên 1.000 tấn là 20% giá trị.
Muốn nhập phế liệu, doanh nghiệp phải ký quỹ 20%
Với các mặt hàng nhựa và giấy phế liệu nhập khẩu dưới 100 tấn đã phải ký quỹ 15% giá trị lô hàng. Từ 100 – 500 tấn là 18% giá trị lô hàng và từ 500 tấn trở lên là 20% tổng giá trị lô hàng.
Các loại hàng hóa khác không thuộc nhóm hàng phế liệu sắt, nhựa và giấy đều phải thực hiện ký quỹ tối thiểu là 10% tổng giá trị đơn hàng.
Tổ chức và cá nhân sẽ không được phép lưu giữ phế liệu nhập khẩu trong trường hợp không có kho bãi đảm bảo các điều kiện quy định.
Tuy nhiên, đề xuất này được xem quá nặng vì quá khả năng tài chính đối với nhiều DN thép, nhựa trong nước khi phần lớn trong số họ vẫn phụ thuộc nguồn nguyên liệu sản xuất từ thép, nhựa phế liệu nhập ngoại.
Ông Cao Tiến Vị, tổng giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn, cho rằng việc ngăn chặn tình trạng nhập khẩu rác thải phế liệu, rác công nghiệp là cần thiết. Nhưng nếu gom giấy phế liệu, vốn là nguyên liệu chính để sản xuất giấy, vào diện phải ký quỹ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngọc Bích (Th)