Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (mã CK: C4G) vừa thông báo kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Cụ thể, C4G sẽ tổ chức phát hành 112,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1. Điều đó có nghĩa mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu cũ sẽ được quyền mua 1 cổ phiếu mới. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 11% so với thị giá C4G chốt phiên ngày 3/3 là 11.200 đồng/đơn vị.
Dự kiến, C4G sẽ thu về hơn 1.123 tỷ đồng cho đợt phát hành cổ phiếu lần này. Với số tiền nhận được, công ty dự định sử dụng để tăng vốn điều lệ nhằm mục đích tăng quy mô vốn hoạt động của công ty. Sau phát hành, vốn điều lệ của Cienco4 sẽ được nâng từ hơn 2.247 tỷ đồng lên hơn 3.371 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, thời hạn đăng ký mua cổ phiếu C4G là giai đoạn 7/4 - 28/4/2023. Thời gian chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu là giai đoạn 7/4 - 25/4/2023.
Tại Đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào tháng 10/2022, lãnh đạo Cienco 4 cho biết tăng vốn điều lệ là rất cần thiết để đáp ứng vốn thực hiện các dự án, đồng thời giảm chi phí tài chính do lãi suất ngân hàng đang tăng cao.
Ai đang sở hữu Cienco 4?
Cơ cấu cổ đông tại Cienco 4, từ lâu vẫn là một chủ đề được giới đầu tư đặc biệt quan tâm. Từ thời điểm Bộ Giao thông Vận tải chính thức hoàn thành thoái 100% vốn tại Cienco4 vào năm 2014, nhiều cái tên như “đình đám” như Ngân hàng SHB, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc,…trở thành cổ đông chiến lược của Cienco4.
Đến ngày 31/12/2015, nhóm cổ đông sở hữu Cienco 4 bao gồm Xây dựng Tuấn Lộc (33,33%); ông Nguyễn Văn Tuấn (14,5%); bà Trương Thị Tâm (13,32%), Vietnam Enterprises Limited (3,6%) và nhóm các cổ đông khác (35,25%).
Năm 2016, đa số các cổ đông trên đã thoái hết vốn tại Cienco4, nhường chỗ cho nhóm cổ đông mới gồm Công ty cổ phần Tập đoàn VPA (27,32%); Công ty cổ phần Xây dựng Dũng Hưng (21,4%); Công ty TNHH và Xuất nhập khẩu và Dịch vụ tổng hợp Nhật Minh (14,14%), các cổ đông khác (37,14%). Tính đến cuối năm 2017, cơ cấu cổ đông lớn không có nhiều sự thay đổi ngoài 3 cái tên kể trên.
Tính đến ngày 31/12/2019, báo cáo tài chính của Cienco 4 ghi nhận các cổ đông lớn là Xây dựng Dũng Hưng (10,9%), Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect (8,15%), Công ty cổ phần New Link (tên mới của Tập đoàn VPA – 20,75%), Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải (14,13%),…
Trong năm 2022, các cổ đông lớn tại doanh nghiệp này liên tục giảm tỷ lệ sở hữu. Cụ thể, báo cáo tài chính hơp nhất quý IV/2022 của Cienco4 thể hiện Xây dựng Dũng Hưng và VnDirect đã thoái toàn bộ vốn khỏi công ty. Trong khi đó, New Link chỉ còn nắm giữ 10,37%; phần còn lại (89,63%) thuộc về các cổ đông khác.
Về Công ty cổ phần New Link, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 6/2016 với tên cũ là Công ty cổ phần tập đoàn VPA. Giai đoạn tháng 6/2016 đến 6/2017, ông Nguyễn Văn Tuấn (Chủ tịch HĐQT Cienco 4) từng giữ chức vụ Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn VPA.
Theo thông tin công bố từ Cienco 4, Chủ tịch HĐQT công ty này hiện là ông Nguyễn Thanh Tuấn. Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của C4G là ông Nguyễn Tuấn Huỳnh. Tổng mức lương của 2 nhân sự này trong năm 2022 lần lượt là 611,8 triệu đồng và 747,9 triệu đồng.
Có thể dễ dàng nhận thấy dấu ấn đậm nét của nhóm lãnh đạo gốc Thanh Chương và Yên Thành (tỉnh Nghệ An) tại Cienco 4. Thực tế, các cổ đông cũ như Xây dựng Dũng Hưng, Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải, Công ty TNHH và Xuất nhập khẩu và Dịch vụ tổng hợp Nhật Minh cũng đặt trụ sở hoạt động tại Nghệ An.
Dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu 250 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính quý hợp nhất quý IV/2022, lũy kế cả năm, Cienco 4 đạt doanh thu 2.976 tỷ đồng, tăng 47% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế là 168 tỷ đồng , gấp 2,5 lần.
Tính đến cuối quý IV/2022, tổng tài sản của công ty đạt 8.447 tỷ đồng, tăng nhẹ 8% so với đầu năm. Khoản tiền, khoản tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn là 256 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ vay của Cienco4 cuối quý IV/2022 là 3.547 tỷ đồng, trong vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm tỷ trọng lớn với 2.425 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty ở mức 5.934 tỷ đồng, tương ứng cao gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu.
Đến ngày 31/12/2022, báo cáo tài chính của Cienco 4 ghi nhận hơn 249 tỷ đồng trái phiếu. Đây là lô trái phiếu có thời hạn tối đa 36 tháng (từ 1/12/2021 đến 1/12/2023), tổng giá trị 250 tỷ đồng, lãi suất cố định 9,5%/năm. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là cổ phiếu C4G thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần New Link (1,5 triệu cổ phần); ông Nguyễn Tuấn Huỳnh (hơn 3,924 triệu cổ phần) và ông Nguyễn Tuấn Nghi (1,685 triệu cổ phần).
Như vậy, ước tính tổng số lượng cổ phiếu C4G làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 250 tỷ đồng là 7,11 triệu cổ phiếu C4G. Tính từ thời điểm ngày 1/12/2021, khi giá điều chỉnh của cổ phiếu C4G ở mức 16.720 đồng/cổ phiếu thì hiện tại C4G đã giảm 33%, nếu so sánh với mức giá 11.200 đồng/cổ phiếu kết phiên ngày 7/2/2023. Mặc dù giá trị cổ phiếu đã bị giảm đáng kể, tuy nhiên Cienco 4 vẫn chưa có động thái bổ sung tài sản đảm bảo cho trái phiếu.
Theo kết quả chào bán, một công ty chứng khoán trong nước đã “ôm” trọn 100% lô trái phiếu trên. Đáng chú ý, tổ chức tư vấn, bảo lãnh và đại diện người sở hữu trái phiếu đều là Chứng khoán VnDirect.