Theo Bloomberg, các công ty Trung Quốc đang lợi dụng sự cởi mở trong hệ thống kinh tế toàn cầu do Mỹ dẫn đầu nhưng Bắc Kinh lại không đáp lại bằng cách cho phép các công ty nước ngoài tự do hoạt động kinh tế tại đất nước đông dân nhất thế giới này. Sự mất cân bằng này đang trở thành một trở ngại lớn cho các công ty, tập đoàn phương Tây. Trong khi họ không thể hưởng lợi tối đa từ sự bùng nổ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các công ty Trung Quốc lại đang thực hiện hàng loạt vụ M&A tầm cỡ ở nhiều nước.
Khổng Tử: “Điều mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác”
Mặc dù hứa hẹn sẽ tiếp tục "mở cửa", chính phủ Trung Quốc vẫn ngăn cản và hạn chế các công ty nước ngoài tham gia vào nhiều hoạt động kinh doanh cơ bản. Ví dụ như hãng sản xuất ô tô Trung Quốc Geely mua lại Volvo của Thụy Điển trong năm 2010, nhưng hãng xe nước ngoài này chỉ có thể sản xuất tại Trung Quốc với một đối tác trong nước.
Rầm rộ hơn là Quỹ quản lý tài sản Wanda đang muốn mua lại đế chế Hollywood . Wanda đã mua nhà hát AMC vào năm 2012 và nhà sản xuất Legendary Entertainment đầu năm nay. Trong khi đó các công ty nước ngoài vẫn phải đối mặt với nhiều giới hạn khi đầu tư vào công nghệ làm phim ở Trung Quốc. Hay như Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã mở một văn phòng mới ngay tại Manhattan, trong khi ngân hàng, quỹ đầu tư nước ngoài và các công ty bảo hiểm bị hạn chế bởi các nhà cầm quyền.
Trung Quốc càng giàu có hơn và ảnh hưởng lớn hơn đến kinh tế thế giới thì sự bất hợp lý này càng khiến các đối tác thương mại cảm thấy khó chịu. Thậm chí một chính trị gia Mỹ đã đề xuất tăng mạnh thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như áp dụng các biện pháp trừng phạt khác.
Tuy nhiên đây là một ý tưởng tồi khi tăng thuế hay trừng phạt “công xưởng của thế giới”. Việc đó sẽ làm tổn hại tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ, lợi nhuận doanh nghiệp và phúc lợi của chính người tiêu dùng.
Những chính sách kiềm chế Trung Quốc hiện nay cũng không hiệu quả. Năm 2012, WTO ra phán quyết rằng Trung Quốc đã phân biệt đối xử với các công ty thanh toán nước ngoài (gồm MasterCard và Visa). Tuy nhiên phải mất 4 năm sau Bắc Kinh mới đưa ra những thay đổi chính sách để chào đón những công ty này.
Có đi có lại giữa các bên là một giải pháp tốt hơn cả. Hoa Kỳ và các quốc gia khác nên đặt giới hạn vào các công ty, tập đoàn Trung Quốc để đối ứng với cách người Trung Quốc áp đặt giới hạn vào các công ty và tập đoàn nước ngoài. Ví dụ, Hoa Kỳ nên hạn chế việc mở rộng của các công ty tài chính Trung Quốc trong thị trường của mình. Tương tự như vậy, Mỹ nên hạn chế sự đầu tư của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Với quyền truy cập vào công nghệ nước ngoài và thị trường bị hạn chế, Trung Quốc sẽ phải nhanh chóng phải đối mặt với áp lực phải cải cách.
Hiện tại Trung Quốc tham gia vào hệ thống kinh tế toàn cầu mà gần như không bị ràng buộc với những nguyên tắc, chuẩn mực chung của thị trường. Hoa Kỳ và các nước phương tây nhất định phải đáp lại để bảo vệ lợi ích của họ.
Trung Quốc có thể phản ứng tiêu cực lại bằng cách kiểm soát chặt hơn các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó sẽ không tốt cho tất cả các bên. Tuy nhiên, thực tế là các doanh nghiệp Mỹ đã chịu thiệt kể cả khi Chính phủ Mỹ không làm gì.
Theo một khảo sát mới được Bộ Thương mại Mỹ thực hiện ở Trung Quốc, 77% doanh nghiệp được hỏi cho biết thị trường Trung Quốc ngày càng khép kín hơn.
Khổng Tử cũng đã nói về lằn ranh giữa một người đàn ông lịch thiệp và một người ngốc nghếch. “Hãy dùng công lý để đáp lại sự tổn thương và dùng lòng tốt để đáp lại lòng tốt”.
Đức Nguyễn