Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ nhận định nguồn thu của chính phủ nước này trong 5 năm tới sẽ tiếp tục ở mức thấp, trong khi khả năng cắt giảm chi tiêu là rất khó.
Theo ông Lâu Kế Vĩ, tình hình tài chính của Trung Quốc hiện nay "hết sức trầm trọng với những rủi ro và thách thức" đến từ thất bại trong chính sách kích thích mạnh mẽ của Mỹ, kinh tế toàn cầu suy thoái trong đại dịch Covid-19, sự già hóa của dân số Trung Quốc và nợ của chính quyền địa phương tăng.
Ông Lâu từng đưa ra những nhận xét nhạy cảm hồi tháng 12/2020, song đánh giá của ông chỉ được xuất bản công khai gần đây trên một tạp chí có liên hệ với Bộ Tài chính Trung Quốc, khi chỉ còn vài ngày nữa Trung Quốc sẽ bước vào sự kiện chính trị thường niên quan trọng nhất - Lưỡng hội, gồm kỳ họp của Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân toàn quốc (Chính hiệp toàn quốc). Giới tinh hoa của Trung Quốc sẽ tề tựu tại thủ đô Bắc Kinh để thảo luận và quyết định những kế hoạch chính sách cụ thể của đất nước.
Chính sách tài chính của Trung Quốc là tâm điểm của Lưỡng hội
Một trong những vấn đề lớn được đặt ra là liệu Trung Quốc có thu hẹp quy mô các biện pháp kích thích tài chính (được thực thi trong năm ngoái nhằm ứng phó tác động của dịch Covid-19) và chuyển sang tập trung vào kiểm soát rủi ro nợ leo thang hay không. Bắc Kinh được dự báo sẽ cắt giảm gói kích thích tài chính ngay cả khi Quốc hội Mỹ đang tiến gần đến việc phê duyệt gói cứu trợ kinh tế bổ sung 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất.
Ông Lâu, người giữ chức Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc giai đoạn 2013-2016, cảnh báo rằng thu nhập tài chính của đất nước dự kiến bị mắc kẹt "ở mức thấp" trong 5 năm tiếp theo, và không có dấu hiệu cho thấy chính phủ đang cắt giảm chi tiêu.
"Khó khăn tài chính không chỉ là vấn đề trước mắt hay ngắn hạn, mà sẽ còn nghiêm trọng cả trong trung hạn," tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) trích lời ông Lâu Kế Vĩ.
Cựu Bộ trưởng cáo buộc Mỹ đang lợi dụng thâm hụt ngân sách của mình để chuyển gánh nặng về nợ cho thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển như Trung Quốc. Theo ông Lâu, nhằm tài trợ cho thâm hụt ngân sách lớn và đang gia tăng, chính phủ Mỹ đã phải phát hành lượng lớn trái phiếu chính phủ, trong khi Cục dự trữ Liên bang mua vào số lượng lớn trái phiếu này nhằm bơm thanh khoản vào thị trường. Lượng tiền mặt bổ sung nhanh chóng đẩy giá cổ phiếu và các tài sản tài chính khác lên cao.
Ông Lâu trích dẫn ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết tổng nợ chính phủ của các nền kinh tế tiên tiến chiếm 123.9% tổng GDP của các nước này trong năm 2020, phá vỡ mức kỷ lục được ghi nhận vào cuối Thế chiến II.
Ông cảnh báo khi dịch Covid-19 được kiểm soát và kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi, "những chính sách tiền tệ và tài chính sẽ tạo ra bước ngoặt tác động đến sự ổn định tài chính toàn cầu và tăng trưởng kinh tế của nhiều nước".
"Các thị trường mới nổi đang đối mặt với cú đòn kép vào nền kinh tế lẫn tài chính của họ, với việc rủi ro kinh tế chuyển hóa thành rủi ro tài chính, làm gia tăng rủi ro về nợ."
Tại kỳ Lưỡng hội sắp tới, ban lãnh đạo Trung Quốc được cho là sẽ thông báo chỉ tiêu thấp hơn về thâm hụt ngân sách và phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương trong năm nay.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ (Ảnh: Reuters)
Thách thức và bất ổn với nền tài chính Trung Quốc
Ông Lâu Kế Vĩ, hiện giữ chức chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Chính hiệp Trung Quốc, nói rằng đã có những nhân tố bất ổn và thách thức gia tăng từ trong nước đối với tình hình tài chính của Trung Quốc.
Trung Quốc đã thực thi chính sách mở rộng tài chính trong 11 năm liên tiếp kể từ năm 2009, hệ quả làm gia tăng thâm hụt ngân sạch và "bùng nổ" quy mô nợ của đất nước.
Chi tiêu tài chính của Trung Quốc tăng 2.8% trong năm 2020 so với năm trước đó, trong khi thu nhập giảm 3.9% - lần giảm đầu tiên kể từ năm 1976. Ông Lâu Kế Vĩ ước tính 15% chi ngân sách năm ngoái được dùng để trả lãi vay, so với mức 13% năm 2019.
Tính bền vững nợ của hầu hết các tỉnh thành Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn trong giai đoạn 2021-2025 khi quy mô nợ địa phương tiếp tục tăng. Ông Lâu nói, "Theo tính toán sơ bộ, khoảng 1/4 số tỉnh thành sẽ dùng hơn một nửa nguồn thu tài chính của mình để trả vốn và lãi vay".
Ông cũng lập luận rằng tình trạng già hóa dân số của Trung Quốc sẽ gây ra thách thức nghiêm trọng cho tính bền vững tài khóa của quốc gia đông dân nhất thế giới trong những năm tiếp theo.
"Sự 'cập bến' của xã hội già hóa đang nhanh hơn, điều này sẽ làm thay đổi quy mô và cấu trúc chi tiêu tài chính của Trung Quốc, làm gia tăng gánh nặng tài chính về chăm sóc người cao tuổi và gây sức ép cho vấn đề tài chính của chính phủ," ông nói.
Tính đến cuối năm 2019, hơn 176 triệu người Trung Quốc ở độ tuổi 65 và cao hơn, chiếm 12.6% dân số cả nước, còn số người từ 60 tuổi trở lên là 177.6 triệu (chiếm 13.3% dân số) - theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
"Chúng ta đang đối mặt với những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ," ông Lâu Kế Vĩ nhấn mạnh.
"Bất kể là những thay đổi trong tình hình kinh tế xã hội trong nước hay kinh tế toàn cầu sụt giảm, nợ chính phủ leo thang và cọ xát thương mại toàn cầu đều sẽ tạo ra những bất ổn to lớn và thách thức nghiêm trọng cho sự bền vững tài chính của Trung Quốc."
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết