Trung Quốc "bơm" thêm gần 60 tỷ USD vào thị trường tài chính

(Kinhdoanhnet) - Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã "bơm" thêm 393,5 tỷ Nhân dân tệ (57,33 tỷ USD) vào 22 thể chế tài chính thông qua cơ chế cho vay trung hạn (MLF) nhằm bình ổn về cơ bản thanh khoản của thị trường.

PBOC cho biết số tiền trên bao gồm 150 tỷ NDT sẽ đáo hạn trong 6 tháng và 243,5 tỷ NDT sẽ đáo hạn trong 1 năm. Lãi suất các hợp đồng MLF thời hạn 6 tháng vẫn ở mức 2,95% và đối với MLF thời hạn 1 năm ở mức 3,1%.

Trung Quốc "bơm" thêm gần 60 tỷ USD vào thị trường tài chính - Ảnh 1
Trung Quốc "bơm" thêm gần 60 tỷ USD vào thị trường tài chính. Ảnh minh họa

Công cụ MLF được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2014 nhằm giúp các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách duy trì tính thanh khoản.

Giới chuyên gia nhận định động thái trên nhằm bù lại lượng tiền mặt đã rút khỏi lưu thông sau khi các chiến dịch bơm tiền trước Tết Nguyên đán đến thời hạn phải thanh toán. Ước tính 1.700 tỷ NDT sẽ được rút khỏi hệ thống ngân hàng trong tuần này vì các hợp đồng đáo hạn.

Trước đó, ngày 13/2, PBOC cũng đã “bơm” thêm 100 tỷ nhân dân tệ (14,5 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các hoạt động thị trường mở nhằm giảm bớt tác động của các hợp đồng đến kỳ hạn phải thanh toán.

Cụ thể, PBOC đã bơm tiền thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo), bao gồm các repo thời hạn 7 ngày với mức lãi suất 2,35%, hợp đồng thời hạn 14 ngày với lãi suất 2,5% và các thỏa thuận thời hạn 28 ngày là 2,65%. Mặc dù đã bơm tiền vào thị trường tài chính, nhưng sẽ có khoảng 90 tỷ nhân dân tệ rút khỏi thị trường này do các hợp đồng trị giá 190 tỷ nhân dân tệ đến thời hạn phải thanh toán. Kể từ ngày 4/2, PBOC đã không bơm tiền thông qua các hoạt động thị trường mở với lý do “mức độ thanh khoản tiền mặt khá cao”.

Hồi tuần trước, PBoC cho phép rút 625 tỷ Nhân dân tệ khỏi thị trường. Việc PBoC nối lại các hoạt động này diễn ra vào lúc các hợp đồng mua lại đảo ngược trị giá khoảng 900 tỷ Nhân dân tệ sắp đến kỳ thanh toán trong tuần này, có nguy cơ gây ra căng thẳng về khả năng thanh toán tiền mặt trên thị trường.

Chính sách tiền tệ của Trung Quốc được đề ra là mang tính “cẩn trọng và trung lập”, tiếp tục mức độ thanh toán tiền mặt hợp lý và tránh bơm tiền ồ ạt.

Phương Anh

(T/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục