Trở lại chuyện vượt ngục của những người tử tù vào đêm Noel năm ấy

Đêm Noel năm 1951, tại nhà giam Hỏa Lò, những người tử tù mưu trí và gan dạ đã lên kế hoạch vượt ngục. Dù không thành công, nhưng qua đó đã thấy được sự mưu lược, quyết chiến đấu tới cùng của những người chiến sĩ Công an kiên trung.

Theo ông Trần Minh Việt kể thì cuộc đời làm Công an của ông bắt đầu vào những ngày cuối tháng 8/1945. Khi ấy, chính quyền cách mạng vừa ra đời đã phải chống chọi với các thế lực phản động ở trong và ngoài nước. Cùng với sự phá hoại của các đảng phái phản động, các tổ chức gián điệp tình báo nước ngoài, bọn tội phạm hình sự cũng thường xuyên gây ra những tội ác đẫm máu ở Thủ đô và các địa phương khác.

Trong hoàn cảnh ấy, ông được các đồng chí lãnh đạo Sở Công an Bắc Bộ giao cho làm Đội phó Đội án Đại hình. Đây là một đơn vị Công an đầu tiên ở Hà Nội có nhiệm vụ ngăn chặn và điều tra các vụ trọng án như giết người, cướp của, bắt cóc và tống tiền nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Mấy năm sau, do cuộc kháng chiến chống Pháp ngày một lan rộng, ông được giao nhiệm vụ làm Phó ban đại diện phía Bắc của Ty Công an Hà Nội. Công việc hằng ngày của ông là tiếp nhận thông tin và tham gia chỉ đạo các tổ điệp báo đang hoạt động trong nội thành Hà Nội.


Trở lại chuyện vượt ngục của những người tử tù vào đêm Noel năm ấy - Ảnh 1
Một góc khu xà lim tử hình - Nhà tù Hỏa Lò.

Cuối năm 1945, do địch đánh rộng ra một số tỉnh như Thái Nguyên, Hà Đông, Sơn Tây... ông được phái vào hoạt động và trực tiếp chỉ đạo các tổ điệp báo tại nội thành Hà Nội. Vào giữa năm 1950, trong một chuyến đi công tác ở nội thành, do có kẻ phản bội khai báo, ông đã bị bọn mật vụ của đảng Đại Việt theo dõi và bắt giữ. Khi bắt được ông, chúng đưa ông đến nhốt ở một căn buồng tại số nhà 5 phố Thương Khách (nay là phố Hoè Nhai -Hà Nội).

Tại đây, tên Vũ Đình Lý, nguyên là một cán bộ cao cấp của đảng Đại Việt đã dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, rồi thuyết phục, dụ dỗ ông để hy vọng sẽ làm rõ đường dây, tổ chức của lực lượng Công an Thủ đô. Do dụ dỗ không được, bọn chúng đành trở lại món nghề cũ là đánh đập, tra tấn bằng nhiều cực hình rất dã man, nhưng cũng không đạt được kết quả gì hơn. Ít ngày sau, chúng đưa ông về nhà tạm giam Công an Quận 3.

Sau này, ông Việt mới biết sở dĩ ông bị tạm giam ở hai nơi trên là vì bọn Đại Việt đã nhận từ tay Pháp bàn giao Sở mật thám để chuyển thành Sở Công an Bắc Việt. Tại đây, do phòng giam chật hẹp nên có lúc chúng giam chung cả số tù nhân nam và nữ. Có một kỷ niệm mà đến giờ ông vẫn chưa quên. Đó là vào một buổi sáng, sau những ngày bị tra tấn dã man, ông ngất lịm đi, khi tỉnh dậy thì đã thấy trong phòng giam có một nữ tù nhân. Người nữ tù nhân này còn rất trẻ và có khuôn mặt xinh xắn, đoan trang.

Thấy ông vừa trải qua cơn hoạn loạn do bị tra tấn nên chị ta chủ động lấy suất cơm tù bón cho ông ăn. Song, ông không sao nuốt nổi. Thấy vậy, chị đã bộc lộ với ông rằng, chị vừa sinh con được hơn một tháng. Thấy chị xinh đẹp, chồng lại đang ở xa, tên Quận trưởng Công an đã giở trò tán tỉnh. Khi bị chị phản đối quyết liệt, vào một đêm, hắn cho người quẳng truyền đơn vào nhà, rồi mượn cớ bắt chị. Hắn lại giở trò cưỡng hiếp chị, xong bị chị cự tuyệt nên hắn sai lính nhốt chị vào buồng giam với những người tù chính trị.

Từ hôm bị bắt, hai bầu sữa của chị lúc nào cũng căng ra. Vì không có con nhỏ ở bên cạnh nên chị muốn dành sữa để bồi dưỡng cho ông và mong ông nhanh chóng hồi phục sau những trận đòn tra tấn dã man của địch. Nghe chị nói, ông cảm động đến trào nước mắt. Và thế là trong những ngày sống trong tù, sức khỏe của ông ngày một khá hơn.

Sau khi sức khỏe của ông được hồi phục, ông chủ động bàn với một số bạn tù khác tổ chức vượt ngục. Nhưng ý định chưa thành thì địch đã chuyển ông về giam ở nhà giam Công an Bắc Việt. Tại đây ông được gặp lại những người đồng chí cũng bị địch bắt giam. Và cũng như lần trước, ông chủ động bàn với anh em tù chính trị tìm cách vượt ngục.

Sau khi được nhất trí của mọi người, ông và những người tù khác bắt tay ngay vào việc chuẩn bị. Để có phương tiện đào tường trốn ra ngoài, qua một người tù tự giác, những người tù chính trị hồi ấy có được một con dao. Song để tạo ra được lỗ hổng nhằm thoát được ra ngoài, họ đã phải nhịn ăn để tích muối rồi trộn với nước tiểu, mỗi ngày thấm vào các viên gạch để tạo nên sự mục ruỗng và dùng dao cậy dần. Khi đã tạo được lỗ hổng của bức tường phòng giam, đêm ấy vào lúc gần sáng, lợi dụng trời đổi gió bấc và mưa; những người tù chính trị bắt đầu thực hiện chuyến vượt ngục.

Nhưng khi người thứ 4 vừa chui ra khỏi buồng giam, leo lên bức tường bên ngoài có hàng rào dây thép gai chưa kịp tụt xuống thì bị trượt chân rơi xuống đất. Nghe tiếng động, bọn cảnh sát địch bật đèn pha và nổ súng báo động. Biết cuộc vượt ngục đi bại lộ, ông Trần Minh Việt, vừa vắt được một chân lên tường trại giam lại phải vội tụt xuống rồi chui trở lại phòng giam. Sáng hôm sau, bọn cai ngục tập trung số tù chính trị, trong số đó có ông Trần Minh Việt là người đầu tiên bị chúng tra tấn, đánh đập dã man.

Sau đó ít lâu, ông Trần Minh Việt được chúng đưa về nhà giam Hỏa Lò. Tại đây, qua một vụ án khác, bọn chúng đã có đủ tài liệu để xác định vai trò của ông là Phó Ban đại diện phía Bắc Công an Hà Nội nên đã bị chúng đưa ra tòa án binh và kết án tử hình. Sau phiên tòa, chúng giam ông tại xà lim số 5 của ngục tử hình tại nhà giam Hoà Lò. Đó là thời điểm của những tháng ngày sau Tết Canh Dần (năm 1950).

Thời điểm này, tại nhà giam Hỏa Lò đã hình thành chi bộ nhà tù do những người cộng sản thành lập và cứ ít lâu, bọn cai ngục lại đưa một số tử tù đi thi hành án. Do vậy tại khu xà lim ngục tử hình lúc đó còn 16 tù chính trị bị kết án tử hình, trong số đó có một số cán bộ chiến sĩ Công an. Trải qua một vài lần hội ý chớp nhoáng, ba Đảng viên trong tổ Đảng ngục tử hình ở nhà tù Hỏa Lò, gồm: Ông Ngô Trung Hậu, Trần Minh Việt và Đặng Định Kỳ đã đi đến quyết định: Vượt ngục tập thể của các tử tù. Và để triển khai cuộc vượt ngục này, trước đó số tử tù chính trị đã phải tiến hành nhiều biện pháp. Công việc đầu tiên họ thực hiện là tìm cách dò hỏi thông tin và vạch các phương án vượt ngục.


Phương án đầu tiên được các tử tù đề ra là vượt tường rào. Nhưng tính đi, tính lại họ thấy không ổn; vì phải vượt qua nhiều cửa khóa, rồi phải trèo lên nóc nhà để vượt ra. Phương án này sẽ bị lộ bởi xung quanh nhà tù Hỏa Lò đều có bốt gác ở trên cao. Một phương án khác lại được đặt ra là mua chuộc bọn cai ngục, nhưng cũng không thành. Tiếp đến là phương án: Cướp vũ khí, tấn công bọn cai ngục rồi trốn trại, song xem chừng vẫn không ổn. Cuối cùng, họ đã tìm đến phương án thứ 4 là vượt ngục theo đường cống ngầm ở trại giam Hỏa Lò.

Sau khi các tử tù chính trị thống nhất phương án vượt ngục này, qua đường dây liên lạc, họ báo cáo xin ý kiến và sự trợ giúp từ bên ngoài. Được các đồng chí lãnh đạo đồng ý, ít lâu sau những người tử tù đã được tiếp sức từ bên ngoài như lưỡi cưa do tổ chức gửi qua số tù tự giác để cưa khóa và song cửa sắt, mỡ để bôi vào gỗ xà lim để nới lỏng ổ cùm, vài mẩu sắt để làm chìa khoá giả.

Sau khi đã có trong tay một số vật tư, vào một buổi chiều, lợi dụng tên giám thị đang mải mê chơi bóng, họ đã lấy được mẫu chùm chìa khóa phòng giam. Từ mẫu chìa khóa này, họ đã đánh được các chìa khóa giả. Khi đã có trong tay có dụng cụ, số tử tù âm thầm triển khai cho cuộc vượt ngục. Sau gần năm tháng, mọi việc chuẩn bị cho chuyến vượt ngục đều hoàn tất.

Để đảm bảo an toàn cho cuộc vượt ngục, họ đã cử người tiềm trạm. Khi thấy có đường thoát, họ quyết định chuyến vượt ngục vào đêm lễ Noel năm 1951. Đêm ấy, theo kế hoạch, 16 tử tù chính trị và một tử tù hình sự được chia làm 3 nhóm. Để khỏi lạc nhau, họ gắn kết với nhau bằng một sợi dây thừng đã được chuẩn bị từ trước. Nhưng do hệ thống cống ở khu vực nhà giam Hỏa Lò nối ra ngoài xây dựng lại không đồng nhất; có đoạn to, có đoạn nhỏ nên những người tù vượt ngục buộc phải trườn mình trong lòng cống vốn đã gần như lấp đầy bùn và nước thải.

Thời tiết lúc này lại đang rét đậm khiến cho cuộc vượt ngục của những người tù tưởng chừng không thực hiện được. Họ đi được một đoạn thì lạc nhau, do sợ dây thừng bị đứt. Mặc dù vậy, giữa sự sống và cái chết, cuối cùng họ cũng tìm được lối thoát lên phố. Song, khi vừa bò được lên trên mặt phố, cảnh sát địch đã phát hiện. Và thế là cuộc đánh tay bo giữa những người tù vượt ngục với bọn cảnh sát diễn ra ngay trên đường phố. Lúc này chỉ có năm người chạy thoát; còn ông Trần Minh Việt và gần chục người tù khác bị địch bắt lại.

Sau chuyến vượt ngục không thành ấy, ông Việt và số tử tù vượt ngục khác bị chúng bắt lại và đưa ra tòa xét xử. Sau phiên tòa, chúng đày ông ra nhà tù Côn Đảo làm tù khổ sai. Mãi đến tháng 10/1954 theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, cũng như nhiều người tù chính trị khác, ông được chúng trả tự do.

Sau một thời gian điều dưỡng sức khoẻ, ông được hồi phục. Trở lại công tác trong ngành Công an, ông đã trải qua nhiều đơn vị công tác với các cương vị khác nhau. Song, dù công tác ở đơn vị nào, trong cương vị gì, người chiến sĩ Công an ấy, người tử tù năm xưa vẫn một lòng sắt son với Đảng.

 

Lưu Vinh/KD&PL

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục