Tranh chấp bồi thường với khách hàng, Bảo hiểm Hàng không liên tục thua kiện

Tuy được biết tới là một trong những công ty bảo hiểm có tên tuổi tại Việt Nam nhưng Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) lại dính đến nhiều vụ kiện tụng về chi trả tiền bảo hiểm.

Bảo hiểm hàng không VNI: Liên tục thua kiện, chậm chi trả bồi thường
Bảo hiểm hàng không VNI: Liên tục thua kiện, chậm chi trả bồi thường

Liên tục thua kiện

Điển hình là vụ kiện tụng giữa Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) và ông Vương Ngọc Ánh (chủ nhân của chiếc xe bán tải Ford Ranger bị cháy ngày 16/7/2019). Theo đó, ngày 26/8/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tuyên án buộc bị đơn là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không bồi thường cho nguyên đơn là ông Vương Ngọc Ánh số tiền 836,8 triệu đồng. Đây là tổng số tiền tổn thất toàn bộ chiếc xe Ford Ranger bị cháy.

Theo hồ sơ vụ việc, ngay sau khi xảy ra cháy chủ xe đã liên hệ với VNI Đà Nẵng gửi thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường. Sau đó nhiều lần, chủ xe tiếp tục gửi đơn yêu cầu VNI giải quyết bồi thường tổn thất và VNI cũng đã có văn bản trả lời nhưng các nội dung đều nói là phải đợi có kết luận điều tra của cơ quan công an thì mới xem xét giải quyết.

Tuy nhiên, chủ xe cho rằng VNI đã cố ý trì hoãn bồi thường, vi phạm nội dung hợp đồng bảo hiểm đã ký, vi phạm các quy định trong Quy tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới của VNI.

Sau đó, cơ quan điều tra công an huyện Núi Thành và Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận điều tra vụ án về việc xe ô tô bị cháy, chưa xác định được ai là người phá hoại. Do đó, ngày 6/1/2020 chủ xe đã khởi kiện VNI ra tòa với kết quả phần thắng thuộc về chủ xe như trên.

VNI bị toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam tuyên án thua kiện trong vụ xe Ford Ranger cháy
VNI bị toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam tuyên án thua kiện trong vụ xe Ford Ranger cháy

Một vụ việc khác trong năm 2023 mà VNI cũng bị xử thua kiện. Cụ thể, ngày 21/6/2023, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên án buộc bị đơn là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) bồi thường cho nguyên đơn là bà Tô Thị N. số tiền 1,95 tỷ đồng. Đây là tổng số tiền tổn thất toàn bộ chiếc tàu cá số BĐ-97818-TS bị vỡ nát vụn, phần máy bị chìm xuống biển.

Theo hồ sơ, ngày 24/6/2019, bà N. cùng với Công ty Bảo hiểm Hàng không Quảng Ngãi (viết tắt là VNI Quảng Ngãi) và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi – Phòng giao dịch Đức Phổ ký hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm tàu cá số 3981900089/D03.

Ngày 17/10/2019, tàu cá BĐ-97818-TS của bà làm thủ tục xuất bến tại Trạm kiểm soát biên phòng và đến 10 giờ cùng ngày, tàu của bà nhổ neo, xuất bến để đi câu cá ngừ đại dương. Khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày, tàu của bà N. gặp gió lớn và nhiều cơn sóng to khiến tàu bị vỡ nát vụn, phần máy bị chìm xuống biển.

Ngay sau khi tàu bị sự cố, cùng ngày 17/10/2019, bà N. đã làm đơn báo cáo gửi tới VNI Quảng Ngãi. Ngày 18/10/2019, VNI Quảng Ngãi cử giám định viên thực hiện việc giám định. Báo cáo kết luận tàu của bà N. bị tổn thất toàn bộ và đơn vị giám định đã hướng dẫn bà N. làm một số thủ tục yêu cầu bồi thường.

Ngày 8/9/2020, VNI có văn bản số 1682/BHHK-TSKT-HH thông báo cho bà về việc từ chối bồi thường. VNI đưa ra các lý do như: tàu cá của bà N. không có thợ máy theo quy định; không thuê người bảo vệ, trục vớt tàu ngay dẫn đến việc tàu bị chìm đắm hoàn toàn; bà N. yêu cầu bồi thường 2 tỷ đồng là không đúng vì bà tham giam bảo hiểm dưới giá trị,…

Tại bản án số 70/2022/DS-ST ngày 14/12/2022 của Toà án đã xử buộc VNI bồi thường cho bà N. số tiền bảo hiểm 1,95 tỷ đồng. Sau đó, ngày 26/12/2022 và ngày 19/1/2023, VNI có đơn kháng cáo, kháng cáo bổ sung đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà N.

Kết luận cuối cùng của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tuyên. không chấp nhận kháng cáo của VNI và buộc VNI phải trả cho bà N. số tiền 1,95 tỷ đồng.

Toà án tuyên án Bảo hiểm Hàng không VNI phải trả cho bà N. số tiền 1,95 tỷ đồng.
Toà án tuyên án Bảo hiểm Hàng không VNI phải trả cho bà N. số tiền 1,95 tỷ đồng.

Không chỉ thua kiện, Bảo hiểm hàng không VNI cũng bị phạt do vi phạm chi trả bồi thường cho. Cụ thể, ngày 17/5/2023, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không VNI số tiền 50 triệu đồng. Lý do là thực hiện hành vi vi phạm hành chính giải quyết bồi thường cho khách hàng chậm theo quy định của pháp luật.

Trước đó vào tháng 10/2020, Uỷ ban chứng khoán (UBCK) Nhà nước cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không với mức phạt hơn 400 triệu đồng. Trong đó, Bảo hiểm Hàng không bị phạt 350 triệu đồng vì không đăng ký giao dịch chứng khoán. Cụ thể, năm 2017, VNI đã thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm bị xử phạt công ty vẫn chưa thực hiện việc đăng ký giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm Hàng không còn bị phạt 50 triệu đồng, bao gồm 20 triệu đồng vì lỗi báo cáo giao dịch không chính xác khi mua bán cổ phiếu của Công ty Cổ phần điện tử Biên Hòa và 35 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu BEL sở hữu vượt quá các ngưỡng 1%.

VNI đang làm ăn ra sao?

Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không (VNI), trong quý III doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của VNI đạt 441,9 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 67,1 tỷ đồng, tăng gần 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong kỳ, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của VNI là gần 444,5 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, VNI kiểm soát tốt chi phí hoạt động tài chính chỉ còn 188,9 triệu đồng, giảm hơn 9,7 tỷ đồng so với con số 9,9 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, chi phí quản lý trong quý III/2023 của doanh nghiệp tăng 9,9% lên 56,6 tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận trước thuế của VNI trong quý III/2023 đạt 7,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 32,1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý III là 6,2 tỷ đồng, tăng 31,6 tỷ đồng so với mức lỗ 25,4 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân được VNI đưa ra đó là trong quý III/2023 hoạt động đầu tư tài chính có hiệu quả của nên lợi nhuận sau thuế tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Luỹ kế 9 tháng của năm 2023, VNI ghi nhận khoản lãi hơn 13,3 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm 2022.

Luỹ kế 9 tháng của năm 2023, VNI chi bồi thường hơn 678,9 tỷ đồng bảo hiểm xe cơ giới 
Luỹ kế 9 tháng của năm 2023, VNI chi bồi thường hơn 678,9 tỷ đồng bảo hiểm xe cơ giới 

Trên bảng cân đối kế toán, tổng cộng tài sản của VNI tại ngày 30/9/2023 là 3.806 tỷ đồng, tăng hơn 67 tỷ đồng so với con số 3.739 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn hơn 3.411 tỷ đồng và tài sản dài hạn hơn 394 tỷ đồng.

Ở phần tài sản ngắn hạn, VNI có hơn 4,5 tỷ đồng tiền mặt; hơn 98,3 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn; 120 tỷ đồng các khoản tương đương tiền (là tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng kể từ ngày đầu tư tại các ngân hàng thương mại trong nước).

Tiếp đó, doanh nghiệp này có hơn 1.277 tỷ đồng các khoản đầu tư ngắn hạn; hơn 1.084 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, chiếm lớn nhất là các khoản phải thu về hợp đồng bảo hiểm hơn 353 tỷ đồng (chủ yếu là phải thu phí bảo hiểm gốc gần 98 tỷ đồng và phải thu hoạt động tái nhượng bảo hiểm hơn 236,7 tỷ đồng); và hơn 492 tỷ đồng phải thu khác của khách hàng (gồm phải thu gốc và lãi trái phiếu Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long 38,3 tỷ đồng; và phải thu khác của khách hàng về hoạt động đầu tư cổ phiếu hơn 454 tỷ đồng).

Ở phần tài sản dài hạn, doanh nghiệp dành hơn 328 tỷ đồng đầu tư mua cổ phiếu và gần 2 tỷ đồng đóng góp vào đơn vị khác.

Tại ngày 30/9/2023, tổng cộng nguồn vốn của VNI là 3.806 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 2.720 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 1.085 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty này gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu, trong đó, phải trả cho người bán hơn 553 tỷ đồng; phải trả về hợp đồng bảo hiểm hơn 527 tỷ đồng; giá trị khoản dự phòng nghiệp vụ là hơn 1.847 tỷ đồng.

Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) được thành lập ngày 23/4/2008. Cổ đông sáng lập đầu tiên là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty lớn: bao gồm Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VIETNAM AIRLINES), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN), Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng Công ty XNK Tổng hợp Hà Nội (GELEXIMCO), Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO) và các cổ đông khác.

Hiện tại số vốn điều lệ của VNI là 1.000 tỷ đồng, là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và đầu tư tài chính. Tại ngày 30/9/2023, tổng số nhân viên của công ty là 1.669 người, giảm 25 người so với thời điểm ngày 31/12/2022 (1.694 người).

PV

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục