Thời gian qua, những tranh cãi về việc áp dụng thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền giữa các bộ, ngành vẫn đang gây bất bình dư luận, mới đây nhất, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã gửi văn bản tới đích danh Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng đóng góp ý kiến về cách tính thuế nhập khẩu trong giá cơ sở.
Hiệp hội Xăng dầu khi cho rằng việc áp dụng thuế bình quân gia quyền vào công thức giá cơ sở gây bất lợi cho người tiêu dùng và có thể ngược chiều với diễn biến giá thế giới, đi ngược lại với tinh thần điều hành của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai bảo vệ cách tính thuế bình quân gia quyền. Ảnh: BTC
Trả lời vấn đề này, tại buổi Họp báo sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã bảo vệ quan điểm của Bộ Tài chính khi cho rằng đây là cách tính hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Tài chính giải thích, theo công thức tính giá xăng dầu tại Nghị định 83, thuế là một trong các yếu tố xác định, bao gồm có thuế nhập khẩu ưu đãi theo quy chế tối huệ quốc (MFN), thuế nhập khẩu ưu đãi theo hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu thông thường.
Bên cạnh đó, hiện nay, với 11 FTA đã cam kết, mức thuế nhập khẩu xăng dầu rất khác nhau. Do đó, không thể áp dụng một mức thuế cụ thể của một biểu thuế nào đó.
Bà Mai dẫn chứng, thuế nhập khẩu xăng theo MFN là 20%, còn theo FTA với Hàn Quốc là 10%. Hay như dầu diesel, thuế nhập khẩu theo MFN là 7%, còn theo hiệp định với ASEAN là 0%. Nếu chọn mức thuế cao thì người tiêu dùng chịu thiệt, còn chọn mức thuế thấp thì doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu ở thị trường có mức thuế cao sẽ lỗ, do đó nguồn cung xăng dầu cho thị trường sẽ không đảm bảo.
Câu hỏi đặt ra là nếu Bộ Tài chính áp một mức của một biểu thuế nào đó, hoặc lấy mức thuế ở biểu thuế nhập khẩu ưu đãi liệu có được hay không? Trong khi mức thuế nhập khẩu ưu đãi là thuế suất hiện đang cao nhất, còn biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA lại thấp hơn. Chẳng hạn đối với mặt hàng xăng, thuế nhập khẩu theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 20%, nhưng thuế nhập khẩu theo biểu thuế ưu đãi đặc biệt đối với Hàn Quốc hiện nay là 10%.
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, khi lựa chọn phương án này, Bộ Tài chính đã tính toán, bàn thảo kỹ và được Chính phủ đồng ý. Mặc dù đây là cách tính phù hợp trong điều kiện có nhiều thuế suất khác nhau, nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, nếu tình hình thay đổi sẽ phải có đề xuất phương án phù hợp, linh hoạt trong điều kiện nền kinh tế luôn có nhiều biến động.
Mai Anh (TH theo Infonet, Doanh nghiệp Việt Nam)