Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư cá nhân nhận diện và ứng xử rủi ro

Tuy ‘sinh sau đẻ muộn’ so với một số nước trong khu vực, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam lại được đánh giá là năng động và có tiềm năng. Khác với các NĐT là tổ chức, NĐT cá nhân sẽ nhận diện thị trường, đối phó với rủi ro và liệu họ có được bảo vệ quyền lợi hay không?

Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư cá nhân nhận diện và ứng xử rủi ro - Ảnh 1

Nhà đầu tư cá nhân sẽ phải đối mặt với những rủi ro nào khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp?

Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 163/2018/NĐ-CP, trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.

Trong đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

Thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu thông qua hình thức phát hành riêng lẻ, và để việc phát hành được thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra mức lãi suất hấp dẫn, giao động khoảng từ gấp 1,5-2 lần so với lãi suất huy động của ngân hàng.

Thông thường, nhà đầu tư sẽ nhận diện chất lượng trái phiếu thông qua bản cáo bạch phát hành trái phiếu (OC). Tuy nhiên, chất lượng của bản cáo bạch này lại phụ thuộc vào mục tiêu chủ quan của doanh nghiệp phát hành.

Chính vì vậy, nhà đầu tư cá nhân nếu không tỉnh táo và sáng suốt sẽ rất dễ gặp rủi ro. Để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư và thanh lọc thị trường, năm 2020 các cơ quan quản lý đã ban hành một loạt chính sách quy định rõ về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Những quy định này phần nào đã cảnh báo cho tổ chức tư vấn phải cung cấp thông tin đầy đủ để nhà đầu tư có căn cứ quyết định lựa chọn.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, nửa đầu năm 2021, số lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ.Đồng thời, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ đạt 5,7% tổng khối lượng phát hành, giảm một nửa so với cùng kỳ (12,68%).

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bởi trái phiếu là một kênh đầu tư chính vì vậy cơ hội luôn song hành cùng với rủi ro. Mặc dù những chính sách mới đã góp phần bảo vệ nhà đầu tư, nhưng không phải an toàn tuyệt đối, bởi diễn biến thị trường rất khó lường và đầu tư trái phiếu lợi nhuận càng cao thì rủi ro sẽ càng lớn.

Đối với thị trường trái phiếu thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cá nhân vẫn bị bủa vây bởi bốn loại rủi ro chính:

Thứ nhất, rủi ro tín dụng. Nhà đầu tư rất dễ rơi vào tình trạng không thu hồi được lãi và nợ gốc khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp bởi doanh nghiệp không có khả năng tự phát hành tiền để chi trả cho nhà đầu tư trong những trường hợp bất khả kháng hoặc do diễn biến xấu của thị trường.

Thứ hai, rủi ro thanh khoản. Hiện tại hành lang pháp lý của Việt Nam chưa đủ để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư trong các trường hợp mua bán chuyển nhượng cho bên thứ ba (doanh nghiệp chứng khoán, đơn vị phân phối trái phiếu, hoặc cá nhân). Đồng thời tỷ lệ luân chuyển trái phiếu tại thị trường Việt Nam còn rất nhỏ (chỉ đạt 0,08 lần) dẫn đến tính thanh khoản vẫn còn hết sức hạn chế.

Thứ ba, rủi ro định giá về lãi suất trên cơ sở đã điều chỉnh rủi ro, tức lãi suất phải tương xứng với rủi ro.

Thứ tư, rủi ro khác bao gồm rủi ro lãi suất tiền gửi, tái đầu tư, mua lại, bảo lãnh, lạm phát, bất ổn kinh tế, thảm họa hay đại dịch…

Làm sao để nhà đầu tư ứng phó với những rủi ro của thị trường?

Sau khi nhận diện được những rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư phải làm gì để hạn chế rủi ro và chọn được trái phiếu phù hợp?

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam để quyết định lựa chọn đầu tư trái phiếu hay không trước hết nhà đầu tư phải thực sự hiểu bức tranh tài chính của bản thân. Ông Quỳnh cũng cho rằng, nếu chỉ đặt ở góc độ làm sao để tránh rủi ro thì rất dễ để tìm loại trái phiếu an toàn. Phương thức đơn giản nhất là nhà đầu tư có thể chọn các doanh nghiệp uy tín, đã có thương hiệu, hoạt động trên thị trường thời gian dài. Về phương thức phát hành nên chọn trái phiếu phát hành công chúng, thậm chí có xếp hạng tín nhiệm thì càng tốt.

Tiếp đó, nhà đầu tư có thể lựa chọn những trái phiếu doanh nghiệp được ngân hàng bảo lãnh thanh toán hoặc quản lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng chỉ ra thực tế rằng, đối với những trái phiếu doanh nghiệp có chỉ số an toàn cao như vậy thì lãi suất cũng sẽ nằm ở ngưỡng trung bình - khá. Điển hình như trái phiếu của Vingroup, các trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi. Lãi suất cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên cố định 9,7%, sau đó, lãi suất được tính bằng tổng của 3,7% và lãi suất tham chiếu (trung bình cộng lãi suất tiền gửi 12 tháng áp dụng tại Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank). Lãi được trả định kỳ 3 tháng/lần.

Ngược lại, trái phiếu của các doanh nghiệp chưa có tên tuổi, chưa có thương hiệu, các doanh nghiệp đang có số nợ phải trả lớn, tình hình tài chính kinh doanh trồi sụt không đảm bảo, các doanh nghiệp bị xử phạt hoặc chỉ được bảo lãnh phát hành thì các nhà tư vấn tài chính thường xếp vào loại có mức độ rủi ro tương đối cao. Chính vì rủi ro cao nên lãi suất ở nhóm này cũng hấp dẫn hơn nhóm trái phiếu an toàn, giao động từ 12-13%/năm. Do vậy, khi quyết định lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nào, nhà đầu tư nên dung hòa các yếu tố như “khẩu vị rủi ro”, điều kiện tài chính và kỳ vọng lãi suất. Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital Group cũng cho rằng, điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư cá nhân là phải cố gắng hiểu rõ nhà phát hành, hiểu rõ rủi ro mình đang đầu tư để tương xứng với lợi nhuận thu về. Trong trường hợp không thể tìm hiểu, nhà đầu tư có thể tìm đến sự trợ giúp của các nhà tư vấn quản lý danh mục đầu tư. Dưới góc nhìn của chuyên gia tư vấn tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp không nên chỉ nhìn vào lãi suất để lựa chọn đầu tư mà phải đi chiến lược đường dài. “Trong giai đoạn nền kinh tế bị tê liệt vì dịch bệnh, đây không phải lúc nhà đầu tư cá nhân bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng”, ông Hiếu đưa ra khuyến nghị.

Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư cá nhân nhận diện và ứng xử rủi ro - Ảnh 2

Doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu

Theo thống kê luỹ kế 8 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 490 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 308.517 tỷ đồng. Trong đó có 476 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 296.933 tỷ đồng, 14 đợt phát hành ra công chúng giá trị 11.584 tỷ đồng (chiếm 3,754%), và 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài tổng giá trị 1 tỷ USD.

Nếu so với cùng kỳ năm 2020, có thể thấy, tuy số đợt phát hành chưa bằng một nửa cùng kỳ song khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công của các doanh nghiệp trong 8 tháng 2021 đã tăng tới hơn 40%. Đồng thời, tỷ trọng khối lượng phát hành ra công chúng đã giảm so với cùng kỳ năm 2020 (5,28%).

Xét về cơ cấu, trong 8 tháng đầu năm, nhóm các ngân hàng thương mại tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 116.100 tỷ đồng. Trong đó có 24.186 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, chiếm 20,8%; trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2 - 4 năm chiếm 78,3% , lãi suất thấp dao động từ 3% - 4,2%, cố định trong toàn bộ thời hạn của trái phiếu.

Nhóm bất động sản (BĐS) xếp vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 107.980 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8% - 13%/năm.

Chiếm khoảng 35% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ 8 tháng đầu năm, thế nhưng suốt 2 năm qua, các doanh nghiệp bất động sản lại gần như không thể khởi công dự án vì vướng thủ tục, dịch bệnh. Vậy số vốn của các nhà đầu tư đi về đâu?

Mới đây, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc thông báo đã hoàn tất phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 10,8%/năm. Mục đích huy động vốn là tăng quy mô vốn hoạt động cho công ty con. Hồi đầu năm 2021, Kinh Bắc đã huy động thành công 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ để cho các công ty con vay, bao gồm Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng và Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang.

Một cái tên quen thuộc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là Công ty phát triển BĐS Phát Đạt. Từ đầu năm tới nay, công ty này đã thông báo phát hành 5 đợt TPDN, với tổng giá trị khoảng 1.240 tỷ đồng. Mục đích phát hành là tài trợ vốn cho các dự án BĐS của công ty này và công ty con.

Hàng loạt doanh nghiệp khác như Công ty CP Glexhomes phát hành 500 tỷ đồng TPDN, Tập đoàn Đất Xanh phát hành 370 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm bao gồm quyền mua lại trước hạn và bảo lãnh thanh toán. Các công ty như Sovico, BCG Land, Helios, Vinaconex, Tân Hoàng Minh... cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đặc biệt, nhiều công ty huy động được nguồn vốn lớn qua trái phiếu doanh nghiệp như: Công ty CP đầu tư Golden Hill với 5.760 tỷ đồng (kỳ hạn 3 năm với lãi suất 9,7%), Công ty CP BCG Land huy động 2.500 tỷ đồng (kỳ hạn 3 năm lãi suất thả nổi 11% với biên độ 4%), Công ty CP BĐS BIM cũng phát hành 200 triệu USD, tức khoảng hơn 4.600 tỷ đồng... 

Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp đa số được các doanh nghiệp sử dụng để mua đất. Quỹ đất càng lớn, càng làm cho vốn hóa doanh nghiệp tăng lên, từ đó khiến giá trị công ty tăng và đẩy giá cổ phiếu tăng cao. Giá cổ phiếu tiếp tục tăng cao, doanh nghiệp chia thưởng, phát hành tăng vốn. Do vậy, nhiều doanh nghiệp liên tục in giấy bán lấy tiền thật. Thậm chí hiện nay, có những công ty lập các phòng kinh doanh chuyên bán trái phiếu doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cũng đã cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Đặc biệt, cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ và thật sự cân nhắc đối với doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo. Hơn lúc nào hết, các nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu, không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao, và rủi ro cho nhà đầu tư cũng sẽ tiềm ẩn lớn khi thị trường BĐS có biến động tiêu cực.

Hoàng Tư

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục