TP.HCM: Xử lý nghiêm các dự án huy động vốn trái phép, lừa dối khách hàng

Trước những hành vi lách luật để huy động vốn trái phép tại nhiều dự án mà báo chí phản ánh, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ban ngành vào cuộc thanh tra, làm rõ nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Nhiều doanh nghiệp lách luật huy động vốn trái phép

Tại TP.HCM, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt xử lý nghiêm hành vi lừa bán các dự án nhà ở, thu lợi bất chính nhưng nhiều khách hàng vẫn tiếp tục rơi vào "bẫy" của nhiều chủ đầu tư.

Theo quy định của pháp luật, đối với bất động sản hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi đã hoàn thành xong phần hạ tầng và phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đủ điều kiện để bán. Tuy nhiên, nhiều dự án chưa đủ điều mở bán nhưng vẫn nhận đặt tiền cọc của khách hàng.

Việc huy động vốn này thường núp dưới dạng hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, hợp đồng góp vốn, có khi lên đến 20%-30% giá trị căn hộ. Trên thực tế, không ít trường hợp chủ đầu tư đã chiếm dụng vốn của người mua, thậm chí lừa đảo, chiếm đoạt khoản tiền đặt cọc.

Bên cạnh đó, trên thị trường, thời gian qua đã xuất hiện một số doanh nghiệp bất động sản đưa dự án thế chấp ngân hàng 2 lần. Cụ thể, doanh nghiệp đem sổ đỏ của dự án đi thế chấp vay tiền lần thứ nhất và tiếp tục thế chấp những căn hộ đã bán cho khách hàng để vay tiền lần thứ hai, trong khi pháp luật chỉ cho phép dự án thế chấp một lần.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khẳng định, việc các doanh nghiệp cố tình lách luật để huy động vốn là hình thức kinh doanh không đàng hoàng, lừa dối khách hàng, ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp đem dự án đi thế chấp sẽ gây rủi ro rất lớn cho khách hàng, vì nếu dự án không thực hiện được, khách hàng sẽ mất trắng.

Dự án D-Homme trên đường Hồng Bàng, quận 6 do Công ty TNHH MTV Dịch vụ BĐS Minh Anh làm chủ đầu tư được thi công chui, khi chưa có quy hoạch chi tiết 1/500. Ảnh: V.D  
Dự án D-Homme trên đường Hồng Bàng, quận 6 do Công ty TNHH MTV Dịch vụ BĐS Minh Anh làm chủ đầu tư được thi công chui, khi chưa có quy hoạch chi tiết 1/500. Ảnh: V.D  

Vừa qua, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh tại TP.HCM, nhiều dự án chưa đủ điều kiện mở bán nhưng lại nhận đặt tiền cọc của khách hàng. Điển hình như D-AQua, D-Homme, D-One Sài Gòn...

Dự án D-One Sài Gòn nằm tại số 12 đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp. Dự án này được môi giới quảng cáo là do Công ty TNHH MTV DHA làm chủ đầu tư. Từ cuối năm 2018, dự án đã được môi giới rao bán rầm rộ, Công ty cổ phần DHA D-One là bên nhận giữ chỗ.

Thế nhưng, chủ đầu tư thực sự là Công ty TNHH MTV Đông Hải, thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Ở thời điểm dự án được chào bán rầm rộ và thu tiền giữ chỗ, Công ty TNHH MTV Đông Hải vẫn chưa Bộ Quốc Phòng cho phép về việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế.

Hiện tại, khu đất được đặt tên là dự án D-One Sài Gòn vẫn chỉ là bãi đất hoang. Nhiều khách hàng đã xuống tiền tại dự án này vẫn hoang mang không biết số phận dự án sẽ đi về đâu.

Nhiều máy móc, công nhân làm việc bên trong dự án D-Homme dù chưa có đủ cơ sở pháp lý. Ảnh: V.D  
Nhiều máy móc, công nhân làm việc bên trong dự án D-Homme dù chưa có đủ cơ sở pháp lý. Ảnh: V.D  

Một dự án mới của DHA Corporation có tên D-Aqua, mặt tiền Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, tung ra thị trường vào tháng 11/2020, hiện được chào bán với giá khoảng 40-45 triệu đồng/m2. Một số sàn môi giới đang thông báo nhận các suất giữ chỗ với số tiền 50 triệu đồng/căn hộ, dù pháp lý dự án vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Tương tự, dự án D-Homme tọa lạc tại số 765 và 751/8 đường Hồng Bàng, phường 6, quận 6, do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bất động sản Minh Anh làm chủ đầu tư. Dự án D-Homme thi công chui, bất chấp dự án chưa có quy hoạch chi tiết 1/500.

Ngoài những dự án gắn với thương hiệu DHA Corporation, dự án Đức Long Western Park, phường An Lạc, quận Bình Tân chưa có giấy phép xây dựng, nhưng trên thực tế, chủ đầu tư đã tiến hành thi công và rao bán căn hộ cho hàng trăm khách hàng để nhận cọc. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng mua nhà tại dự án.

UBND TP.HCM chỉ đạo thanh tra, xử lý

Trước những phản ánh của báo chí, UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện những giải pháp giải quyết những bất cập trong giao dịch bất động sản. Động thái này nhằm chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành, UBND TP.Thủ Đức và UBND các quận, huyện tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả quy định pháp luật, các chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.

Cụ thể, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục tổ chức triển khai đến các chủ đầu tư dự án nhà ở, đảm bảo thực hiện theo quy định về mẫu các loại hợp đồng đã được quy định cụ thể theo Nghị định 76/2015 hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản. 

Tất cả chủ đầu tư có trách nhiệm phải đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư theo mẫu quy định (đảm bảo về hình thức, nội dung và thủ tục đăng ký hợp đồng).

Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu Sở Công Thương phải tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với các trường hợp báo chí hoặc người dân phản ánh để kịp thời xử lý theo quy định. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng mua bán nhà ở, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM tiếp tục yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Sở Tài nguyên – Môi trường triển khai thực hiện  các nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất… Cơ quan này cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng.

Văn Dũng

Danviet
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục