Kết quả xử phạt hành chính nói trên được Thanh tra Sở Y tế TP.HCM thực hiện từ 19-23/12/2016. Trong đó, 61 cá nhân, cơ sở bị xử phạt hành chính với mức phạt thấp nhất từ 200.000 đồng đến 36 triệu đồng.
Nhiều nhà thuốc ở TP.HCM bị xử phạt vì bán thuốc quá hạn sử dụng. Ảnh minh họa: Infonet
Những vi phạm phổ biến của các nhà thuốc thường là các lỗi như: Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện uỷ quyền hoặc cử người thay thế theo quy định pháp luật; không thực hiện mở sổ hoặc không sử dụng phương tiện để theo dõi hoạt động mua - bán thuốc theo quy định; để lẫn sản phẩm không phải thuốc cùng với thuốc; kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề dược…
Cụ thể, ngày 8/1, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ra quyết định phạt ông Phạm Cường Khang, phụ trách nhà thuốc BV huyện Bình Chánh (khu phố 5, thị trấn Tân Túc) 20 triệu đồng. Lý do kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì (thuốc bấm khỏi vỉ); bán thuốc cao hơn thặng số bán lẻ tối đa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Thanh tra Sở Y tế còn ra quyết định phạt nhiều nhà thuốc bán lẻ thuốc đã hết hạn sử dụng kèm một số vi phạm khác. Cụ thể phạt bà Bùi Thị Mỹ Hạnh (nhà thuốc Minh Châu, ấp Chánh 2, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) 23 triệu đồng. Phạt bà Phạm Thị Thanh Hà (nhà thuốc Tiền Lân, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) 19 triệu đồng.
Với những sai phạm tương tự như trên, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM còn phạt bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (nhà thuốc Hồng Ngân, khu phố 2, phường Hiệp Thành, quận 12) 14 triệu đồng. Phạt bà Vũ Thị Bích Trang (nhà thuốc Thái Hà, phường 13, quận 11) 14 triệu đồng.
Chịu mức phạt cao nhất trong đợt xử phạt hành chính của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM lần này là Công ty TNHH SX TM Hồng Phúc (trụ sở chính trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3), với mức phạt 36 triệu đồng.
Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, trong năm 2017 sẽ tiếp tục kiểm tra hành nghề dược, mỹ phẩm tư nhân hai đợt tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc tân dược, kinh doanh dược liệu, thuốc thành phẩm y học cổ truyền. Trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược như quy chế quản lý chất lượng thuốc, thực hiện các quy định trong “thực hành tốt nhà thuốc (GPP)”, “thực hành tốt phân phối thuốc (GDP)”… Đồng thời kết hợp kiểm tra việc thực hiện quản lý giá thuốc.
Mai Anh (TH theo Infonet, Pháp luật TPHCM)