Theo báo cáo về tình hình tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường bất động sản vừa qua, UBND Tp.HCM cho biết, từ cuối năm 2022 đã tổng hợp, rà soát những vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai, nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản... Các vướng mắc tại các dự án chủ yếu liên quan đến pháp lý đất đai, bồi thường, điều chỉnh quy hoạch.
Theo đó, các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc dự án bất động sản đa phần đều nằm trong 189 kiến nghị của 148 dự án mà Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã tổng hợp, kiến nghị UBND Tp.HCM thời gian qua. Tính thời điểm hiện tại, thành phố đã chỉ đạo các sở ngành giải quyết được 52 kiến nghị tại 44 dự án.
UBND Tp.HCM cho biết, để đẩy nhanh quá trình gỡ vướng pháp lý cho dự án, thành phố đã phân loại các kiến nghị thành 5 nhóm. Trong đó, nhóm 1 là vướng mắc thủ tục đầu tư (gồm 48 dự án, 71 kiến nghị); nhóm 2 là vướng mắc do thanh tra, điều tra, rà soát pháp lý (gồm 21 dự án, 22 kiến nghị); nhóm 3 là vướng đất công, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa (gồm 15 dự án, 21 kiến nghị); nhóm 4 là nhóm các sở ngành đã có văn bản hướng dẫn giải quyết (gồm 44 dự án, 52 kiến nghị). Cuối cùng, nhóm các dự án đã xây dựng hoàn thành, vướng mắc về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gồm 30 dự án, 30 kiến nghị).
Về hướng xử lý trong thời đến, UBND Tp.HCM sẽ tập trung giải quyết cho nhóm 1, 5 (36 dự án, 43 kiến nghị). Các nhóm còn lại thành phố sẽ theo dõi, xử lý sau khi có ý kiến của Bộ, ngành, cơ quan trung ương, hoặc khi có kết luận hoặc bản án có hiệu lực pháp luật. Đối với 30 kiến nghị của 30 dự án liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở TN&MT Tp.HCM đang tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Ngoài ra, đối với 70 kiến nghị của 70 dự án mà Tổ công tác của Thủ tướng chuyển đến đề nghị xem xét, giải quyết, UBND Tp.HCM đã tổ chức họp và xem xét khoảng 31 kiến nghị. Trong đó, UBND Tp.HCM đã tổ chức họp tháo gỡ cơ bản vấn đề pháp lý cho một số dự án.
Có thể thấy rằng, những năm gần đây thị trường bất động sản tại Tp.HCM đang rơi vào tình rạng “đóng băng”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này 1 phần do sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt yếu tố quan trọng khiến cho các doanh nghiệp bất động sản lao đao là ở vấn đề pháp lý. Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu thì vấn đề pháp lý là vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải, bởi lẽ nó chiếm đến 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Theo đó, đã khiến cho nhiều doanh nghiệp khó khăn và không thể triển khai dự án theo đúng như tiến độ đã đề ra trước đó, dẫn đến dự án có thời gian thi công mất nhiều năm dẫn đến nhiều chi phí phát sinh và khách hàng không nhận được nhà, đất như cam kết ban đầu trong hợp đồng.