Lợi nhuận tăng trưởng nhưng dòng tiền của TPBank cũng bị hao hụt khá lớn
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với lợi nhuận trước và sau thuế đạt 1.623 tỷ đồng và 1.299 tỷ đồng, đều tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 31% đạt 2.378 tỷ đồng. Trong đó, động lực tăng trưởng chính đến từ thu nhập lãi thuần tăng 25%, đạt hơn 2.831 tỷ đồng và mảng dịch vụ tăng 81% mang về hơn 511 tỷ đồng.
Ngoài ra, mảng kinh doanh ngoại hối mang về hơn 32 tỷ đồng, cùng kỳ 2021 lỗ hơn 2 tỷ. Trong khi đó, mảng chứng khoán đầu tư sụt giảm 70% so với cùng kỳ, chỉ mang về 81 tỷ đồng lãi thuần trong khi năm ngoái là 270 tỷ đồng.
Mặc dù quý 1/2022 TPBank có lợi nhuận tăng trưởng tương đối tốt, song dòng tiền tại TPBank lại đang hao hụt khá lớn.
Cụ thể, tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại nhà băng này âm tới hơn 11.012 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 dương hơn 954 tỷ đồng. Bao gồm, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm hơn 10.851 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 dương hơn 1.144 tỷ đồng); lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư hơn 76 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính hơn 84 tỷ đồng.
Những nguyên nhân lớn khiến dòng tiền tại TPBank bị âm do tăng các khoản về kinh doanh chứng khoán, chênh lệch tiền thực thu/thực chi từ hoạt động kinh doanh,...
TPBank "ôm" hơn 27.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi không kỳ hạn dấu hiệu sụt giảm
Tính đến cuối quý 1/2022, tổng tài sản tại TPBank tăng nhẹ 3,3% so với đầu năm, đạt 302.623 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 6,1% đạt 149.875 tỷ đồng nhưng tiền gửi tại NHNN lại giảm 22%, xuống còn hơn 14.077 tỷ đồng; tiền gửi tại các TCTD khác và cho vay các TCTD khác cũng giảm 23% xuống còn 37.628 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tính đến 31/3/2022 đạt gần 152.539 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 9% so với đầu năm.
Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn tại TPBank sụt giảm 12%, tương đương giảm gần 3.739 tỷ đồng, xuống còn 27.036 tỷ đồng.
Thực tế, tiền gửi không kỳ hạn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn của các ngân hàng thương mại, là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, chỉ ở mức 0,1-0,5%/năm. Ngân hàng sở hữu được nguồn vốn giá rẻ này sẽ có cơ hội giảm lãi suất cho vay hoặc nâng biên lợi nhuận, đồng thời cũng là một trong những yếu tố khẳng định chất lượng dịch vụ, uy tín của hệ thống.
Những năm gần đây, nguồn tiền gửi không kỳ hạn lại càng trở nên cực kỳ quan trọng với ngân hàng thương mại khi họ phải giảm mạnh lãi suất cho vay.
Đáng nói, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, TPBank đã "ôm" thêm khoảng 9.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, nâng số lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đang nắm giữ hơn 27.589 tỷ đồng, tương đương tăng 49% so với đầu năm.
Hiện tại, Ngân hàng chưa công bố số dư nợ xấu cụ thể trên báo cáo tài chính.
Năm 2022, TPBank đề ra mục tiêu sẽ đạt quy mô tổng tài sản 350.000 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Vốn điều lệ tăng 33% lên mức 21.090 tỷ đồng. Tổng huy động vốn và dư nợ cho vay lần lượt tăng 12% và 18%, lên mức 292.579 tỷ đồng và 188.800 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 mục tiêu tăng 36% so với năm 2021, đạt 8.200 tỷ đồng.
TPBank dự kiến phát hành hơn 527 triệu cp để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện 3:1 (cổ đông sở hữu 3 cp sẽ được nhận thêm 1 cp mới). Cổ phiếu phổ thông phát hành cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nguồn vốn thực hiện từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận để lại chưa phân phối theo BCTC năm 2021 đã kiểm toán. Lợi nhuận để lại chưa phân phối của TPBank là gần 4.100 tỷ đồng.
Thời gian dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 15.817 tỷ đồng lên hơn 21.090 tỷ đồng.