TPBank: Có hay không “trong chán ngoài thèm”?

(Kinhdoanhnet) – Trong khi nhận được sự đánh giá rất cao từ IFC khi đồng ý đầu tư 403 tỷ đồng vào TPBank để ngân hàng tăng vốn điều lệ, thì MobiFone - 1 trong 3 cổ đông sáng lập TPBank lại muốn thoái vốn khỏi ngân hàng này nhưng không có người mua.

Tăng trưởng ấn tượng, TPBank nhận được sự chú ý từ IFC

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) từng bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp hạng vào diện ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu năm 2011. Vào thời điểm tiến hành tái cơ cấu nhờ sự xuất hiện của nhóm cổ đông đến từ Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI đứng đầu là ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT DOJI, hiện tại là Chủ tịch HĐQT TPBank mà ngân hàng này đã có bước lột xác ngoạn mục. Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của TPBank đã đạt trên 76.200 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu năm 2012, qua đó trở thành ngân hàng quy mô tầm trung. Cùng năm, TPBank chính thức bù đắp hết các khoản lỗ luỹ kế từ trước và bắt đầu có lợi nhuận dương 229 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2015 của TPBank đạt mức 626 tỷ đồng.

Sau 3 năm tự tái cơ cấu, TPBank đã tạo ra hơn 1.700 tỷ đồng lợi nhuận, và thu hút được sự chú ý của Công ty tài chính quốc tế IFC (International Finance Corporation) với tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 403 tỷ đồng để TPBank tiến hành tăng vốn điều lệ, sau khi tăng vốn IFC sẽ nắm giữ khoảng 5% vốn điều lệ tại TPBank.

Tới ngày 22/4/2016, TPBank đã có quyết nghị để ĐHĐCĐ thường niên 2016 thông qua việc tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phần ưu đãi cổ tức cho Công ty Tài chính Quốc tế IFC. Khối lượng phát hành là 29.210.500 cổ phần tương đương 4,999% vốn điều lệ của TPBank sau khi tăng vốn, và phía IFC sẽ được hưởng cổ tức 8,5%/năm. Theo đó, giá phát hành cổ phần TPBank đưa ra cho phía IFC mua sẽ là 13.800 đồng/cổ phần, tổng số tiền đầu tư là hơn 403 tỷ đồng.

Mới đây, TPBank đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ từ 5.550 tỷ đồng lên 5.842 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ TPBank thông qua tại Nghị quyết số 01/2016/NQ-TPB.ĐHĐCĐ ngày 22/4/2016. Như vậy, vốn điều lệ của TPBank đã được tăng thêm vào khoảng 292 tỷ đồng, vẫn còn khoảng 111 tỷ đồng nữa mới đạt được con số 403 tỷ đồng mà phía IFC dự định đầu tư vào TPBank như trong nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2016 tuyên bố.

Có hay không “trong chán ngoài thèm” tại TPBank?

Cùng thời điểm ĐHĐCĐ thường niên 2016 diễn ra bàn về việc IFC đầu tư vào TPBank tăng vốn cho ngân hàng này với giá 13.800 đồng/cổ phần, vào ngày 25/4/2016, MobiFone (một trong 3 cổ đông sáng lập TPBank cùng với FPT và Vinare) đã bán đấu giá 14,2 triệu cổ phần, tương đương 2,57% vốn tại TPBank với giá khởi điểm chỉ 8.900 đồng/cổ phần, đây cũng là toàn bộ số cổ phần của MobiFone tại TPBank, có thể thấy rõ mục đích muốn thoái vốn khỏi ngân hàng này của MobiFone.

Thời điểm đó, nhiều người đặt câu hỏi là tại sao cùng một ngân hàng, trong khi IFC đồng ý đầu tư vào TPBank với giá 13.800 đồng/cổ phần, thì bên trong ngân hàng, MobiFone lại muốn thoái vốn bằng việc đấu giá toàn bộ số cổ phần nắm giữ với giá chỉ 8.900 đồng/cổ phần. Đặc biệt, dù đã chào bán với giá khởi điểm chỉ 8.900 đồng/cổ phần, thế nhưng MobiFone vẫn không thể bán hết số cổ phần tại TPBank. Theo ghi nhận từ Sở GDCK Hà Nội thông báo về kết quả đăng ký mua cổ phần của TPBank do MobiFone sở hữu, thì chỉ có 6 nhà đầu tư mua 8,7 triệu cổ phần TPBank, tương ứng khoảng 61% lượng đấu giá. Trong số đó, có 2 nhà đầu tư tổ chức chỉ đăng ký mua vỏn vẹn 200 cổ phần còn lại là 4 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua hơn 8 triệu cổ phần. Chính sự mâu thuẫn này khiến nhiều người hoài nghi phải chăng ở TPBank đang có sự “trong chán ngoài thèm” khi mà MobiFone muốn thoái vốn bán rẻ cũng không có người mua, trong khi IFC lại muốn đầu tư vào.

Theo ông Đỗ Minh Phú cho biết, IFC từ lâu đã có mối quan hệ kinh tế với TPBank. Trong năm 2015, TPBank cũng là ngân hàng Việt Nam duy nhất được IFC cung cấp hạn mức tài trợ thương mại 10 triệu USD để tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Ông Phú cũng cho biết với việc chấp nhận mức giá xấp xỉ 14.000 đồng/cổ phần trong khi MobiFone đưa ra mức giá khởi điểm bán đấu giá toàn bộ cổ phần tại TPBank chỉ ở mức 8.900 đồng/cổ phần, IFC đã có đôi mắt xanh khi nhìn ra tiềm năng phát triển của ngân hàng trong tương lai.

Việc IFC đầu tư vào TPBank hay việc MobiFone muốn thoái vốn khỏi TPBank là do chiến lược của mỗi bên khác nhau, còn việc phát triển của TPBank ra sao thì phải nhìn vào kết quả kinh doanh của ngân hàng này trong thời gian tới. Tính đến cuối quý 1/2016, tổng tài sản TPBank vào khoảng 73.599 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cuối năm 2015. Lãi thuần ngân hàng đạt 408 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ 2015, do việc phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng lên con số 74 tỷ đồng, cùng với chi phí hoạt động tăng nên lãi ròng quý 1 của TPBank chỉ còn 93 tỷ, giảm 30,5% so với cùng kỳ 2015. Đến thời điểm hiện tại, TPBank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2016.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục