Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, TP. HCM đã có 15 dự án nhà ở thương mại được xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 15.020 căn được đưa ra thị trường (gồm 13.767 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng).
Trong đó phân khúc cao cấp có 9.969 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
Qua các số liệu trên cho thấy, hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục cả về tỷ lệ tăng trưởng và doanh thu so với đầu năm.
Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh bất động sản còn hạn chế, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, trước bối cảnh kinh tế hiện nay thị trường bất động sản sẽ còn khó vì liên quan đến thị trường tài chính, tín dụng.
Trong khi đó, cái nghẽn của thị trường bất động sản là thể chế và hấp thụ vốn. Hiện nay hai điểm nghẽn này đang xảy ra cùng lúc, thời gian qua đã có nhiều tháo gỡ về thể chế.
Điểm nghẽn về hấp thụ vốn, có thể thấy từ quý IV/2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản đều khó khăn về nguồn vốn, bên cạnh đó, cả năm qua lãi suất rất cao. Hiện nay, lãi suất đã kéo giảm, nhiều chính sách thể chế đang tháo gỡ, ông Trần Du Lịch dự báo sẽ có sự tích cực từ đây đến cuối năm và qua năm 2024.
Tuy nhiên, kinh tế năm 2024 chưa hy vọng sẽ khởi sắc mạnh mẽ, nhưng sẽ tốt hơn năm 2023, còn thị trường bất động sản thì cần giải quyết vấn đề cung lẫn cầu.
Vì thời gian qua, sản phẩm phục vụ cho đầu cơ quá nhiều, sản phẩm phẩm cao cấp thì chiếm tỷ lệ cao, còn sản phẩm phục vụ cho người nhu cầu thực thì quá ít.
VietnamFinance
In bài viết