Tổng Công ty thép Việt Nam (TVN): Quý IV/2022 ảm đạm, cả năm lỗ 822 tỷ đồng

Quý IV/2022, Tổng Công ty thép Việt Nam ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 410 tỷ đồng. Tính chung cả năm, “ông lớn” ngành thép lỗ 822 tỷ đồng, dù mục tiêu đề ra hồi đầu năm là kinh doanh có lãi.

L410 tỷ đồng trong quý IV/2022

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Tổng Công ty thép Việt Nam (UpCOM: TVN) ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 8.100 tỷ đồng, giảm 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Lợi nhuận gộp đạt 309 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ). Chi phí giá vốn bán hàng gần 7.789 tỷ đồng, giảm 3.153 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh Tổng Công ty thép Việt Nam

Kết quả kinh doanh Tổng Công ty thép Việt Nam

Doanh thu tài chính tăng  thêm 17,3 tỷ đồng lên  mức 130 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính của Tổng Công ty Thép Việt Nam là 145 tỷ đồng và chủ yếu là chi phí vay. Ngoài ra, Tổng Công ty thép Việt Nam còn phải gánh chịu phần lỗ hơn 400 tỷ đồng từ các công ty con trong hệ sinh thái như: Thép Vicasa, Gang thép Thái Nguyên,…  dẫn đến hoạt động tài chính giảm 160 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận khác lỗ 2,3 tỷ đồng, lợi nhuận trong Công ty liên doanh liên kết lỗ 402 tỷ đồng (tăng 364 tỷ đồng).

Với kết quả trên, mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm nhưng cũng không thể giúp TVN thoát lỗ. Kết thúc quý IV/2022, TVN lợi nhuận trước thuế lỗ 406 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 410 tỷ đồng, tăng lỗ 198 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung lũy kế cả năm, Tổng Công ty Thép Việt Nam đạt doanh thu hợp nhất là 40.000 tỷ đồng, giảm 2%, tương ứng giảm 857 tỷ đồng so với kết quả kiểm toán năm ngoái. TVN ghi nhận lỗ 822 tỷ đồng, dù doanh thu thuần chỉ giảm 5% so với cùng kỳ, đạt 38.500 tỷ đồng. Năm 2022, TVN đặt kế hoạch doanh thu 38.050 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 550 tỷ đồng. Như vậy, Công ty không hoàn thành kế hoạch có lãi đề ra.

Thận trọng đặt mục tiêu năm 2023

Theo Tổng Công ty thép Việt Nam, nguyên nhân chính của việc tăng lỗ của quý IV/2022 so với quý liền kề là do doanh thu thuần giảm 3.025 tỷ đồng so với cùng kỳ trước đó.

Vào thời điểm cuối năm 2022, thị trường thép phát sinh những biến động bất ngờ thậm chí trái thông lệ. Giá các mặt hàng năng lượng (xăng dầu, khí đốt) và các mặt hàng nguyên vật liệu chính dùng cho sản xuất thép (than, quặng sắt, thép phế…) đột ngột tăng cao trong giai đoạn đầu năm. Một số mặt hàng đã chạm các mốc cao kỷ lục nhưng sau đó bất ngờ giảm giá nhanh và mạnh, chạm mức đáy của hai năm liên tiếp, trong đó giảm giá là xu hướng chủ đạo từ tháng 5 cho tới gần cuối năm.

Tính đến cuối năm 2022, TVN ghi nhận 13.362 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 3.000 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu giảm còn 9.816 tỷ đồng.

Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của TVN giảm 4.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, về mốc hơn 23.178 tỷ đồng. Đáng chú ý, mặc dù ghi nhận mức lỗ cao nhưng tài sản ngắn hạn của Tổng Công ty Thép Việt Nam là 10.125 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 2.500 tỷ đồng tiền mặt, 4.700 tỷ đồng hàng tồn kho. Con số này vẫn giảm đáng kể so với đầu năm. 

Ngày 2/3, HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP thống nhất tạm thời thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 theo đề xuất của Ban Giám đốc tại các tờ trình số 1376 ngày 14/12/2022, báo cáo số 1407 ngày 27/12/2022 và báo cáo số 54 ngày 19/1/2023.

Tại báo cáo số 54, Tổng giám đốc công ty đưa ra 2 phương án về chỉ tiêu lợi nhuận. Theo đó, phương án một, giả định năm tài chính 2023, Nhà máy Gang thép Lào Cai (VTM) hoà vốn. Đồng thời vấn đề chênh lệch hàng thừa thiếu của nhà máy được xử lý, ghi nhận chi phí trong kỳ kế toán 2023 mà không phát sinh trách nhiệm đền bù cá nhân. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 của công ty mẹ dự kiến là 37 tỷ đồng.

Phương án hai, giả định năm tài chính 2023, VTM không lập và thực hiện được kế hoạch sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Tổng công ty không thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn đối với khoản đầu tư tại VTM trong năm 2023 lên báo cáo tài chính riêng.

Được biết, Tổng Công ty thép Việt Nam - CTCP tiền thân thân là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập năm 2006, chính thức hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con kể từ ngày 1/7/2007. Vốn điều lệ của Tổng Công ty theo đăng ký là 6.780 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2022, Tổng Công ty thép Việt Nam có 14 công ty con trải dài từ Bắc vào Nam.

Chủ tịch HĐQT là ông Lê Thanh Tuấn. Theo Báo cáo tình hình quản trị năm 2022, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu cuối kỳ của Chủ tịch HĐQT là 19,01%. Bên cạnh đó, ông Lê Song Lai, ông Nguyễn Đình Phúc, ông Phạm Công Thảo, ông Trần Hữu Hưng sở hữu cùng tỷ lệ 18,73%. Lượng cổ phần còn lại được nắm giữ bởi ông Lê Văn Thanh, ông Trần Tuấn Dũng, ông Lê Anh Minh và ông Phạm Khiếu Thành.

 

Vân Anh

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục