Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực
Liên quan vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết tối 26-9 Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã thi hành lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thái Lực (20 tuổi, em trai Nguyễn Thái Luyện).
Viện KSND TP.HCM đã phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thái Lực vào tối 26-9. Cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm giữ Lực.
Trước đó ngày 25-9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM triệu tập Nguyễn Thái Lực làm việc. Bước đầu xác định, Lực có tham gia đứng tên trong tổng số 600ha đất nông nghiệp mà Công ty Alibaba thu gom mua, tự vẽ ra một số dự án "ma", sau đó quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để bán cho khách hàng...
Công ty Alibaba được thành lập năm 2016, ngành nghề kinh doanh chính là môi giới, kinh doanh bất động sản. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện góp vốn khoảng 80%, hai cổ đông là Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (ba anh em ruột).
Lực lượng chức năng tiến hành khám xét trong vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba - Ảnh: Công an cung cấp
Liên quan vụ án, ngày 24-9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thái Luyện về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngày 18-9, Cơ quan điều tra khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Alibaba).
Cơ quan điều tra xác định Luyện chủ mưu, cầm đầu vụ án khi chỉ đạo và cùng Lĩnh thành lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên, quy mô hơn 2.600 nhân viên. Từ đó thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600 ha, giao cho các cá nhân (là người thân) đứng tên, tự vẽ ra hơn 40 "dự án" không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... sau đó quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để bán cho khách hàng.
Tính đến ngày 30-6, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu hơn 2.500 tỷ đồng.
Qua điều tra ban đầu xác định các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, "núp bóng" hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong dự án "ma" làm mồi nhử).
Cơ quan điều tra cũng xác định tất cả các "dự án" do Công ty Alibaba tự vẽ ra đều không có thật và không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở như quảng cáo (không có và không thể có sản phẩm giao cho khách hàng như quảng cáo, giới thiệu cũng như nội dung hợp đồng đã ký kết).
Danh sách những dự án "ma" của Công ty Alibaba
Theo Ngọc Khải- Sơn Bình/Tuoitre