Toàn bộ mức phạt hộ tịch áp dụng từ 1/9: Mức cao nhất 20 triệu đồng

Từ ngày 1/9, các mức phạt về quy định đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, cấp, sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký khai tử... sẽ có sự thay đổi.

Toàn bộ mức phạt hộ tịch áp dụng từ 1/9: Mức cao nhất 20 triệu đồng - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Khi Nghị định 82 năm 2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.9, các vi phạm dưới đây sẽ có mức phạt như sau.

Về vi phạm đăng ký khai sinh, nếu tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh sẽ bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng. Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh có thể bị phạt từ 03 - 05 triệu đồng.

Trong lĩnh vực đăng ký kết hôn, nếu tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn bị phạt 01 - 03 triệu đồng. Cho người khác sử dụng giấy tờ của mình để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn; cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cam đoan, làm chứng sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn bị phạt 03 - 05 triệu đồng.

Đối với cấp, sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, vi phạm tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng. Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; cam đoan không đúng về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không đúng mục đích ghi trong giấy xác nhận bị phạt 03 - 05 triệu đồng.

Đăng ký khai tử làm chứng sai sự thật cho người khác để đăng ký khai tử; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được đăng ký khai tử bị phạt 03-05 triệu đồng.

Đặc biệt, làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống; không làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết để trục lợi; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục đăng ký khai tử để trục lợi có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Đối với đăng ký giám hộ, sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký giám hộ; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung đăng ký giám hộ sẽ bị phạt từ 03 - 05 triệu đồng. Sử dụng giấy tờ giả của cá nhân để làm thủ tục đăng ký giám hộ phạt từ 05 - 07 triệu đồng.

Đăng ký nhận cha mẹ con, sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con; cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cam đoan, làm chứng sai sự thật để làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con; đe dọa, cưỡng ép, cản trở việc nhận cha, mẹ, con phạt 03 - 05 triệu đồng.

Về thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi hoặc nhằm mục đích trục lợi khác phạt 10 - 20 triệu đồng.

Theo M. Hương/Báo Lao Động

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục