iPhone 16 sẽ có thêm thay đổi mới nào?
Tờ The Elec đưa tin, hai đối tác cung cấp màn hình của Apple là Samsung và LG đang đề xuất việc ứng dụng một công nghệ mới có tên micro-lens arrays (MLA) để sản xuất tấm nền OLED cho thế hệ iPhone 16.
Công nghệ MLA được cho là sẽ gia tăng độ sáng hiển thị của màn hình với cùng một mức thiết lập. Điều này sẽ giúp cải thiện mức tiêu thụ năng lượng tổng thể của thiết bị.
Tuy vậy, công nghệ này vẫn tồn tại một số hạn chế như sẽ khiến góc nhìn bị thu hẹp. Ngoài ra, việc áp dụng MLA cho tấm nền OLED cũng làm cho chi phí sản xuất màn hình tăng cao.
Trước đó, nhà phân tích Ross Young từ Display Supply Chain Consultants cho biết bộ đôi iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max sẽ được gia tăng màn hình lên kích thước lần lượt 6,3 inch và 6,9 inch. Nếu thông tin rò rỉ trên chính xác, đây sẽ là kích thước lớn nhất từng xuất hiện trên những chiếc iPhone.
Hiện tại, Apple vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có sử dụng công nghệ mới và tăng kích thước màn hình của iPhone 16 hay không.
Huawei có thể lấy chip cho Mate 60 Pro từ đâu?
Huawei vừa bất ngờ công bố mẫu điện thoại Mate 60 Pro. Hai ngày sau, công ty tiếp tục cho ra mắt Mate 60 với thông số thấp hơn. Tuy nhiên, điểm chung của cả hai là vi xử lý và chip mạng đều không được đề.
Các trang công nghệ cho rằng đó có thể là Kirin 9000s 5G, bản cải tiến của Kirin 9000 - chip cao cấp cuối cùng của Huawei trước khi bị Mỹ áp loạt lệnh cấm năm 2020. Dù tự thiết kế chip, hãng không thể đặt hàng sản xuất do các đối tác như TSMC phải xin giấy phép từ Mỹ nếu muốn gia công chip cho Huawei.
Khi được hỏi, Huawei chỉ trả lời chung chung rằng Mate 60 Pro là "mẫu Mate mạnh mẽ nhất từ trước đến nay". Tuy nhiên, hãng từ chối nhắc đến chip và kết nối di động trên máy.
Theo SCMP, chip trong dòng Mate 60 mới đến từ ba nơi.
SMIC sản xuất chip cho Huawei
Đây được xem là giải thích hợp lý nhất, dù SMIC, tập đoàn sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, từ chối bình luận. Theo lệnh trừng phạt của Mỹ, SMIC cũng không thể sản xuất chip tiên tiến như sản phẩm đang được trang bị trên smartphone mới nhất của Huawei.
Theo bài viết trên blog của công ty nghiên cứu TechInsights (Mỹ), SMIC có thể đã tận dụng các thiết bị sản xuất chip hiện có và áp dụng tiến trình 7 nm thế hệ thứ hai (N+2) để tạo chip cho Huawei, gồm cả việc tích hợp sẵn 5G. TechInsights cho biết sẽ đưa ra phân tích chi tiết vào tuần tới. Nếu thông tin này chính xác, đây sẽ dấu mốc cho bước đột phá của ngành bán dẫn Trung Quốc, cũng như là chiến thắng cho mảng kinh smartphone của Huawei.
Sản xuất bằng chuỗi cung ứng bí mật
Thông tin này bắt nguồn từ một báo cáo của Bloomberg, dẫn thông tin từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn có trụ sở ở Washington rằng Huawei đang xây dựng một chuỗi cung ứng sản xuất chip bí mật và bộ vi xử lý trong Mate 60 là thành tựu mới nhất.
Giới chuyên gia nhận định kịch bản này khó xảy ra, nhưng không phải là không thể. Những năm gần đây, Trung Quốc đã huy động nguồn lực lớn nhằm tự chủ bán dẫn và Huawei là một trong những cái tên không thể thiếu trong đó.
Hàng tích trữ trong kho
Một số cho rằng Huawei vẫn để dành một lượng lớn chip Kirin 9000 những năm qua. Đây là các mẫu được TSMC sản xuất trước tháng 9/2020, khi Mỹ chưa thực hiện lệnh cấm toàn diện.
Trước mốc thời gian đó, Huawei được cho là đã ráo riết đặt hàng sản xuất và tích trữ rất nhiều chip Kirin 9000. Nếu đúng, có nghĩa hãng vẫn chưa thể tìm ra cách tự chủ về nguồn chip tiên tiến.
Dù vậy, theo Global Times, sự xuất hiện của Mate 60 cho thấy những chính sách của Mỹ nhằm vào Huawei nói riêng và công nghệ Trung Quốc nói chung đã không thành công. "Sự hồi sinh của smartphone Huawei sau ba năm buộc phải im lặng đã đủ để chứng minh chính sách của Mỹ đã thất bại", bài báo viết.
Microsoft "khai tử" WordPad sau 28 năm
Microsoft vừa thông báo chính thức về việc sẽ loại bỏ WordPad khỏi hệ điều hành Windows trong bản cập nhật tiếp theo.
Cùng với NotePad, WordPad là một trong hai ứng dụng biên tập văn bản đã quen thuộc với người dùng Windows qua nhiều thập kỷ. Ứng dụng này bắt đầu được cài đặt sẵn trên các hệ thống Windows từ năm 1995, thời điểm phát hành Windows 95, với mục tiêu cung cấp cho người dùng trình xử lý văn bản cao cấp và đa phương tiện hơn so với Notepad.
"WordPad không còn được cập nhật và sẽ bị xóa trong bản cập nhật Windows tới đây", thông báo của Microsoft nêu rõ. Công ty phần mềm Mỹ cũng đề xuất người dùng xem xét sử dụng Microsoft Word thay thế cho WordPad, và sử dụng Notepad cho các tài liệu văn bản thuần tuý (như tập tin .txt).
Theo giới công nghệ, việc Microsoft khai tử WordPad là dễ hiểu. Thực tế, ứng dụng này từ chỗ tích hợp mặc định đã trở thành tính năng tuỳ chọn (có thể gỡ bỏ) của Windows kể từ Windows 10 Insider Build 19551 (phát hành năm 2020).
Trong khi đó, thời gian gần đây, WordPad đã trở thành một lỗ hổng bảo mật đáng ngại. Đầu năm 2023, phần mềm độc hại Qbot đã lây nhiễm lén lút vào các máy tính bằng cách tận dụng sơ hở của WordPad.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, WordPad không phải "nạn nhân" duy nhất trong tiến trình đổi mới hệ sinh thái phần mềm mà Microsoft đang theo đuổi. Thực tế, Windows Paint đã có kế hoạch khai tử từ năm 2017, nhưng sau đó được chuyển thành ứng dụng trong cửa hàng phần mềm Windows do nhu cầu từ người dùng vẫn còn. Trợ lý ảo Cortana cũng đã bị loại bỏ trong các bản cập nhật Windows 2011 tháng 8/2023, và kể từ ngày 31/8 gói Visual Studio for Mac cũng chung số phận.