Twitter mất 50% doanh thu quảng cáo
Ngày 15/7, ông Musk cho hay Twitter vẫn đang có dòng tiền âm, do doanh thu quảng cáo giảm 50% cộng với gánh nặng nợ nần.
Kể từ khi tiếp quản Twitter trong một thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD vào mùa thu năm ngoái, ông Musk đã cố gắng trấn an các nhà quảng cáo. Nhiều đối tác của Twitter đã bày tỏ lo ngại về tình trạng sa thải hàng loạt giám đốc điều hành hàng đầu và nhân viên cùng chính sách kiểm duyệt nội dung mới.
Vào tháng 4, ông Musk thông báo hầu hết các nhà quảng cáo rời đi đã quay trở lại Twitter và công ty có thể có dòng tiền dương trong quý II/2023. Vào tháng 5, Twitter có một Tổng giám đốc điều hành (CEO) mới là bà Linda Yaccarino - cựu Giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông NBCUniversal - và có nhiều quan hệ rộng rãi trong ngành quảng cáo.
Tuy nhiên, sau đó, người dùng Twitter đã liên tục phàn nàn về các quy định mới như giới hạn về số lượng nội dung trên nền tảng, thường được gọi là tweet, và một số người nói rằng họ đã không thể vào trang web. Cụ thể, Twitter đang giới hạn các tài khoản đã được xác minh đọc 10.000 tweet mỗi ngày. Người dùng chưa được xác minh - tài khoản miễn phí chiếm đa số người dùng - bị giới hạn 1.000 tweet mỗi ngày. Ông Musk giải thích, những hạn chế này là cần thiết để ngăn chặn việc thu thập trái phép dữ liệu có giá trị.
Vài ngày sau, Twitter cho biết TweetDeck, một chương trình phổ biến cho phép người dùng theo dõi nhiều tài khoản cùng một lúc, sẽ chỉ khả dụng cho những người dùng "đã được xác minh" từ tháng tới.
Trong khi đó, Twitter có một đối thủ cạnh tranh mới trong tháng 7này khi tập đoàn công nghệ Meta tung ra Threads - ứng dụng chia sẻ nội dung văn bản ngắn tương tự như Twitter - đã đạt hơn 100 triệu người dùng chỉ trong 5 ngày đầu tiên ra mắt.
Twitter được cho là có khoảng 200 triệu người dùng thường xuyên nhưng nền tảng này liên tục gặp lỗi kỹ thuật kể từ khi ông Musk mua lại. Ông Musk đã đe dọa sẽ kiện Meta vì ăn cắp bí mật thương mại và tài sản trí tuệ - những tuyên bố mà Meta phủ nhận.
Sa lưới vì trộm đồ có gắn AirTag
Theo Northern Echo, tên trộm Dylan Balmer, 28 tuổi, lẻn vào nhà một phụ nữ ở thị trấn Hartlepool, lấy túi xách cùng một số vật dụng khác, trong đó có chùm chìa khóa gắn AirTag. Balmer không hay biết về sự có mặt của thiết bị Apple và mang tất cả về phòng khách sạn gần đó.
Sau khi phát hiện tài sản bị lấy cắp, người phụ nữ đã lập tức truy cập vào iPhone để tra vị trí của AirTag và báo cảnh sát.
Theo trích xuất từ camera khách sạn, quần áo của Balmer trùng khớp với nhận dạng từ camera các hộ dân xung quanh khi xảy ra vụ trộm. "Balmer lẻn vào vì thấy cửa không khóa", công tố viên Shaun Dryden cho biết. "Khi nạn nhân đến, anh ta còn chủ động trả chùm chìa khóa ".
Vụ trộm xảy ra ngày 26/3 nhưng vừa được xét xử tuần qua. Tại tòa án, ban đầu Balmer nói không chủ định trộm cắp, nhưng sau đó nhận tội. Người này bị tòa tuyên 15 tháng tù giam.
AirTag được Apple giới thiệu vào tháng 4/2021. Thiết bị kết nối với iPhone qua Bluetooth, hỗ trợ loa ngoài, gia tốc kế và pin. Viên pin có thể hoạt động trong vòng một năm. Chip U1 giúp đưa ra vị trí chính xác, tạo phản hồi xúc giác và âm thanh để dễ dàng tìm kiếm đồ vật. Người dùng có thể theo dõi toàn bộ thông tin qua ứng dụng Find My trên iPhone.
4 triệu máy tính Việt Nam có thể nhiễm virus từ Microsoft Office
Công ty bảo mật Bkav vừa phát đi một cảnh báo liên quan đến lỗ hổng bảo mật của bộ công cụ phần mềm văn phòng Microsoft Office. Theo đó, lỗ hổng này có mã định danh CVE-2023-21716. Đây là lỗ hổng có điểm mức độ nghiêm trọng gần như tuyệt đối (9,8/10).
Cụ thể, thông qua việc lợi dụng lỗ hổng, hacker có thể triển khai các chiến dịch lây nhiễm virus trên diện rộng, từ đó chiếm quyền điều khiển thiết bị từ xa, thu thập, mã hóa dữ liệu, tải và thực thi các virus khác.
Lỗ hổng này đã có bản vá từ tháng 2 năm nay, thế nhưng theo thống kê của Bkav, gần 4 triệu máy tính Việt Nam vẫn có nguy cơ bị virus tấn công do chưa được vá. Trước tình trạng trên, Bkav cho biết đơn vị này vừa phát hành một công cụ miễn phí giúp quét lỗ hổng và hướng dẫn cập nhật.