Tín dụng vào sản xuất, vì sao khó?

(Kinhdoanhnet) – Một số ngân hàng thừa nhận tín dụng của họ từ đầu năm tới giờ gần như không tăng. Nguyên nhân là do thời kỳ khó khăn, nhu cầu tiêu dùng chưa cao, hàng tồn kho vẫn lớn nên DN dè dặt vay tiền ngân hàng.

Tính tới cuối tháng 6/2014, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,3%. So với 5 tháng đầu năm 2014, tín dụng trong tháng 6 đã tăng thêm khoảng 1%. Tuy nhiên, 6 tháng vừa qua dòng tiền các NHTM tập trung từ 87% đến 90% vào trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Kho bạc Nhà nước. Dòng tiền lớn được đưa ra, nhưng không đi vào sản xuất kinh doanh mà đang lòng vòng trong hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Nhà nước đang trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa nên cơ hội tăng tín dụng chưa nhiều.

Các chuyên gia cho rằng, tiền không chay vào sản xuất do năng lực hấp thụ vốn suy giảm. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu xuất phát từ khu vực đối ngoại (xuất khẩu và FDI), trong khi khu vực DN trong nước vẫn khó khăn, năng suất thấp.

Tín dụng vào sản xuất, vì sao khó? - Ảnh 1

Mà những doanh nghiệp FDI lại chủ yếu huy động vốn từ các ngân hàng nước ngoài và các công ty mẹ. Các doanh nghiệp FDI tranh thủ tận dụng nguồn vốn giá rẻ từ nước ngoài, hoặc không loại trừ yếu tố lợi dụng để chuyển giá.

Hai ngành ngốn khá nhiều vốn vay là sản xuất thép và xi măng điều chỉnh giảm công suất và sản lượng do cầu trong nước giảm thì cơ hội tăng tín dụng chưa nhiều. Còn DN tư nhân thì đang đối mặt với khó khăn do cách thức làm ăn thiếu hợp lý, co cụm vì nợ xấu vẫn đang tồn tại, nên tăng trưởng tín dụng vào nhóm này rất khó.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2014 khoảng 12%, trong khi 6 tháng đầu năm tín dụng nền kinh tế mới tăng khoảng 2,3% so với mục tiêu thì chưa thể khẳng định vấn để tăng trưởng tín dụng đạt được mục tiêu trong một sớm một chiều. Và nói về khả năng tăng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2014, chưa thể kỳ vọng tình hình sáng sủa ngay.

Với sức cầu yếu hiện nay, DN thường tận dụng nguồn vốn hiện có chứ không vay ngân hàng nếu không thật sự cần thiết. Hơn nữa, vấn đề nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng cũng khiến nhiều ngân hàng e ngại cho vay DN, vì sợ rủi ro.

Mặc dù, nhiều ngân hàng cho biết hiệu quả của những chương trình triển khai là rất cao, tăng trưởng tín dụng khá tốt, nhưng có ngân hàng thừa nhận tín dụng của họ từ đầu năm tới giờ gần như không tăng. Nguyên nhân là do thời kỳ khó khăn, nhu cầu tiêu dùng chưa cao, hàng tồn kho vẫn lớn nên DN dè dặt vay tiền ngân hàng.

Thực tế, có nhiều ngân hàng, tăng trưởng tín dụng cũng tăng, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì thấp hơn nhiều mặc dù liên tục tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Theo giới chuyên gia, vấn đề hiện tại, để khơi thông dòng chảy tín dụng vào sản xuất, cả ngân hàng và DN đều phải thay đổi cách tiếp cận. Với DN, đặc biệt là DNNVV, cần phải coi ngân hàng là bạn, chia sẻ những khó khăn vướng mắc để ngân hàng thêm tin tưởng hơn khi cho vay. Còn ngân hàng, do lo ngại rủi ro, nên mặc dù lãi suất cho vay giảm nhiều, nhưng với nhóm DNNVV thì gần như không giảm, điều này khiến họ thêm khó khăn.

Chỉ khi kinh tế phục hồi tốt, "sức khỏe" của doanh nghiệp được cải thiện thì tín dụng mới có khả năng trưởng cao từ nay đến cuối năm.

Vấn đề tăng trưởng tín dụng để khôi phục sản xuất kinh doanh được Chính phủ rất quan tâm, tại các kỳ họp Chính phủ trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại kỳ hạn của các khoản vay cũ và giảm lãi suất để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp.

P.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục