Tín dụng tăng tốc mùa cuối năm

So với mức tăng 4,5% hồi cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đã nhích thêm 2,76% trong hơn một tháng đạt 7,26% và cao hơn mức 6,87% của 9 tháng cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 30/9/2014, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế tăng 7,26% so với cuối năm 2013. So với con số gần 7% mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 29/9) cho thấy tín dụng đang bắt đầu tăng tốc.

Tín dụng tăng tốc mùa cuối năm - Ảnh 1
Tín dụng chạy đua với thời gian.

Còn nếu so với mức tăng 4,5% vào ngày 26/8, tăng trưởng tín dụng đã nhích thêm 2,76% trong hơn một tháng và cao hơn mức 6,87% của 9 tháng cùng kỳ năm ngoái.

Sự tăng tốc này cũng thể hiện rõ qua các con số về tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Vietcombank là một điển hình về việc chạy marathon của tín dụng. Cụ thể, tính đến 30/9/2014 dư nợ cho vay của Vietcombank đạt 300.324 tỷ đồng, tăng 10,1% so với đầu năm. So với con số 6,6%, tương đương 292.000 tỷ đồng hồi cuối tháng 6, thì tín dụng đã có bước tăng mạnh, gần 4%. Còn nếu so với con số 3,6 - 3,7%, tương đương 284.000 tỷ đồng, hồi cuối tháng 5/2014 thì là một bước nhảy dài với khoảng gần 7%.

Vietinbank cũng đang cho thấy sự tăng tốc trong tăng trưởng tín dụng. Theo ông Phạm Huy Thông, tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng của Vietinbank đạt 6%, tăng ngoạn mục so với con số 0,45% (theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Vietinbank). Như vậy, chỉ sau 2 tháng, Vietinbank đã chạy marathon tín dụng gần 5%, một sự tăng tốc ngoạn mục...

Với sự năng động của các ngân hàng trong tăng trưởng tín dụng, nhiều chuyên gia cho rằng, khẳng định của Thống đốc tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tín dụng sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 12 – 14% sẽ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, sức hấp thụ vốn chưa có dấu hiệu phục hồi, liệu chất lượng tín dụng có được đảm bảo?

Về phía ngân hàng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt được trong thời gian qua có một phần nhờ nỗ lực giảm lãi suất. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.

Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các TCTD tích cực giảm; đến ngày 18/9/2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,25% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,16% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013. 

Cùng với việc giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đang theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của từng TCTD và toàn hệ thống, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cho một số TCTD; phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý các vướng mắc liên quan đến hoạt động tín dụng.

Dù vậy, chất lượng tín dụng và cơ hội phục hồi hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp khó khăn mới chính là điều mà Chính phủ quan tâm. Bởi vậy, mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, bảo đảm tăng trưởng tín dụng đi đôi với đảm bảo chất lượng tín dụng theo kế hoạch đã đề ra, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng tổng cầu. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý hiệu quả nợ xấu.

Chính phủ cũng yêu cầu NHNN xem xét kéo dài thời hạn cho vay, thời gian ân hạn trả gốc và trả lãi đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; xem xét, nghiên cứu cơ cấu lại thời hạn cho vay vốn tín dụng xuất khẩu đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bị thua lỗ trong năm 2014.

 Theo BizLIVE

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục