Khẩn cấp: Cấm KDF và Dat Viet Media sử dụng nhãn hiệu Celano

Toà án nhân dân TP. HCM đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm KDF sử dụng nhãn hiệu Celano, đồng thời buộc Dat Viet Media không được quảng cáo, quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu này tại một số trang mạng xã hội.

Toà án nhân dân TP. HCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi xem xét đơn yêu cầu của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) – đơn vị khởi kiện trong vụ án dân sự về việc: “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” đối với Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KDF).

“Sau khi xem xét các chứng cứ liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, xét thấy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” là thuộc trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra”, văn bản của Toà án nhân dân TP. HCM nêu rõ.

Cụ thể, cơ quan này quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm KDF sử dụng (quảng cáo, quảng bá, giới thiệu,…) nhãn hiệu Celano theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 98453 và số 367495 do Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp.

Bên cạnh đó, buộc Công ty cổ phần Dat Viet Media không được quảng cáo, quảng bá, giới thiệu đối với nhãn hiệu “Celano” theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 98453 và số 367495 do Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp trên trang Facebook “Anh trai Say hi Vie Channel”, trang Facebook “2 Ngày 1 Đêm Vietnam”, tài khoản Tiktok “VieON” và tài khoản Tiktok “2Ngay1DemVietnam”.

Khẩn cấp: Cấm KDF và Dat Viet Media sử dụng nhãn hiệu Celano - Ảnh 1

Từ các thông tin từ Toà án nhân dân TP. HCM, có thể thấy KIDO đã tiến hành khởi kiện KDF về vấn đề tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. Câu chuyện khởi nguồn từ thương vụ M&A được thực hiện giai đoạn 2023-2024, khi KIDO chuyển nhượng 24,03% cổ phần KDF cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood (Nutifood), qua đó hạ tỷ lệ sở hữu tại KDF từ 73% xuống còn 49%. Ngược lại, Nutifood tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 51%, qua đó KDF trở thành công ty con của Nutifood, và chỉ còn là công ty liên kết của KIDO.

Sau thương vụ nghìn tỷ đồng này, vấn đề về sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu KIDO, Celano, Merino không được công bố rộng rãi ra công chúng. Giới phân tích khi ấy cho rằng Nutifood sau khi nắm quyền chi phối KDF đã trở thành đơn vị sở hữu mới của 2 nhãn hiệu kem đình đám trên thị trường.

Cho đến gần đây khi KIDO công bố thông tin về việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường với những nội dung về vấn đề sở hữu và quyền sử dụng thương hiệu KIDO và nhãn hiệu Celano, Merino, lúc này nhiều nhà đầu tư mới thực sự biết rõ KIDO vẫn đơn vị sở hữu 2 thương hiệu - nhãn hiệu kem danh tiếng bậc nhất thị trường Việt Nam hiện nay.

Ban kiểm soát của KIDO đề nghị ĐHĐCĐ xem xét và cho ý kiến về việc KDF đang sử dụng các nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của KIDO. Vấn đề được coi là trọng yếu và cần được đưa ra ĐHĐCĐ thảo luận và biểu quyết.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ được KIDO công bố, kể từ đầu năm 2022, doanh nghiệp này đã tiến hành các thủ tục để chuyển toàn bộ thương hiệu, nhãn hiệu từ các công ty con, công ty thành viên về KIDO, bao gồm Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC), Công ty TNHH KIDO Nhà Bè (KDNB) và KDF.

Trong đó, 34 thương hiệu, nhãn hiệu đến từ KDF, bao gồm MERINOX, MERINO YEAH!, MERINO SUPERTEEN, MERINO KOOL, CELANO, CELANO PLATINUM, M, WEL YO, SỮA CHUA WEL YO Beauty, SỮA CHUA WEL YO Family, HALLO,… Sau đó, KIDO sở hữu và quản lý toàn bộ thương hiệu, nhãn hiệu sử dụng tại các công ty con và công ty thành viên.

Với việc KIDO giảm tỷ lệ sở hữu và KDF trở thành công ty liên kết, ban lãnh đạo KIDO cho rằng vấn đề khai thác và sử dụng các nhãn hiệu Celano và Merino cần được ĐHĐCĐ cho ý kiến. Doanh nghiệp này đã đưa ra 3 phương án.

Một là giữ quyền sở hữu tại KIDO nhằm bảo vệ giá trị thương hiệu, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thương hiệu. Hai là quyền sử dụng, uỷ quyền cho một bên thứ ba ngoài KIDO và công ty con sử dụng. Ba là uỷ quyền cho HĐQT và/hoặc tổng giám đốc của KIDO thực hiện các giao dịch liên quan và các hợp đồng, thoả thuận, tài liệu liên quan, kể cả các thoả thuận sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, thay thế các giao dịch liên quan (nếu có) đến hai nhãn hiệu Celano và Merino.

Với thương hiệu KIDO, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng đưa ra ba phương án tương tự để ĐHĐCĐ xem xét. Theo KIDO, quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp và toàn xã hội để xây dựng nên một doanh nghiệp.

ĐHĐCĐ bất thường của KIDO sẽ diễn ra vào ngày 24/1 tới đây tại TP. HCM.

Hải Đường

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục