Tại các trung tâm thương mại, trung tâm điện máy, các siêu thị… rất nhiều mặt hàng đều treo bảng bán trả góp, nhưng thật ra đó là hình thức cho vay phân tán. Thông thường một món hàng chỉ cần khách hàng trả trước 20%, phần còn lại chia đều trong 12 tháng với lãi suất 2%/tháng, tức 24%/năm.
Song trong 12 tháng đó không tính lãi suất giảm dần những tháng trước đã trả, thành ra lãi suất có thể lên đến trên 35%/năm. Nhưng đó chỉ là cách tính thông thường của các công ty tài chính, có những trường hợp đặc biệt lãi suất có thể lên đến 60-70%/năm. Song bù lại họ có thể cho vay những món hàng nhỏ từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng mà các NH không thể cho vay, lại phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp.
Hay như để khuyến khích khách hàng tiêu dùng, các NH mà đặc biệt là các NH nước ngoài đã đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng với hạn mức lên đến hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào mức lương của khách hàng. Qua đó NH phát triển được dịch vụ thẻ nhưng cũng kích thích được tín dụng tiêu dùng qua thẻ lãi suất cao (sau 45 ngày miễn, lãi hiện nay lên đến 35-40%/năm, đó là chưa kể phí).
Tính đến thời điểm cuối tháng 2/2014, Home Credit đã có 1,2 triệu khách hàng đang vay vốn tiêu dùng và mục tiêu năm nay tăng 50% số lượng khách hàng vay. Do vậy các công ty tài chính đối thủ tranh thủ mở rộng, lan tỏa thị phần để thu hút khách hàng vay vốn.
Một trong những lý do được các công ty tài chính tranh thủ lấy khách hàng là trong bối cảnh nợ xấu tăng, không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được vốn vay NH, trong khi công ty tài chính hoàn toàn cho vay tín chấp, không cần chứng minh tài sản, chỉ cần chứng minh, hộ khẩu và hóa đơn tiền điện, nước hay điện thoại trùng với tên trong hộ khẩu (photo không cần công chứng) là giải ngân ngay trong 2 giờ. Trong khi với thủ tục và thời gian này là NH không thể.
Tuy vậy, hoạt động cho vay phân tán dễ kéo đến nhiều rủi ro cho ngân hàng.
Với không ít NH, kể cả với những NH có thế mạnh trong việc tài trợ tín dụng, năm 2013 phải chịu lỗ thuần trong hoạt động tín dụng, do lãi biên thu hẹp khi lãi suất phải kéo giảm xuống còn 7-8%/năm đối với tổ chức và doanh nghiệp, thấp hơn cả với trần huy động; đối với các cá nhân lãi cho vay cũng chỉ 12-13%/năm mới thu hút được người vay.
Ngược lại, dư nợ cho vay khách hàng đến cuối tháng 12/2013 của Home Credit đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng đến 83% so với cùng kỳ 2012, trong đó chủ yếu từ hoạt động cho vay tiêu dùng. Nhưng các khoản vay này thường chịu lãi suất cao gấp nhiều lần thông thường, không ít trường hợp lên tới 72%/năm.
Lý giải cho việc áp dụng mức lãi suất đầu ra khá cao, theo lãnh đạo một công ty tài chính, rủi ro đối với khoản tín dụng tiêu dùng rất lớn do chủ yếu vay tín chấp. Mặt khác, nguồn tiền cho vay chính của các công ty tài chính đến từ liên NH, vay từ các tổ chức tín dụng (TCTD), thay vì huy động vốn giá thấp hơn từ thị trường dân cư như NH, nên lãi suất cho vay ra cũng phải đáp ứng để bù đắp được rủi ro.
Cho vay phân tán thì tính an toàn thường cao hơn đối với khoản vay lớn, rủi ro tiềm ẩn cao hơn. Hiện còn nhiều khoản vay phải chịu lãi suất trên 13%/năm và phần lớn rơi vào nhóm cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, việc chấp nhận để lãi suất vay tiêu dùng cao là hợp lý, bởi khoản vay này có mức độ rủi ro lớn và cũng là cách để giúp nền kinh tế tránh được nạn cho vay nặng lãi.
Hoạt động ngân hàng bán lẻ được đánh giá là rất “màu mỡ” và được các ngân hàng chú trọng phát triển trong năm nay và những năm tới, đặc biệt khi tăng trưởng tín dụng còn khó khăn.
Tại Việt Nam, với dân số hiện nay đạt 90 triệu người, trong đó 2/3 dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong đó, ước tính chỉ có khoảng 10% người dân đã có tài khoản ngân hàng. Chính vì vậy, bán lẻ là khu vực tiềm năng và đây thực sự là cơ hội cho các ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.
Cách đây vài năm, khi mới xâm nhập thị trường Việt Nam, các ngân hàng quốc tế hàng đầu như Standard Chartered, HSBC, ANZ… “tung chiêu” mở tài khoản cá nhân và doanh nghiệp. Do chưa có mạng lưới sâu rộng, các ngân hàng ngoại hiểu rõ họ khó có thể cạnh tranh với loại hình tiết kiệm định kỳ của NHTM nội với những hình thức gửi tiền tiết kiệm ngày một linh hoạt hơn. Lúc bấy giờ, cạnh tranh trên tài khoản thanh toán vẫn chưa được các ngân hàng nội chú ý.
Hiện tại, các ngân hàng thương mại Việt Nam không chỉ chú trọng việc mở rộng mạng lưới nhanh chóng nhằm tiếp cận thị phần bán lẻ, tăng cường tiếp cận khách hàng mà còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng tính tiện lợi về dịch vụ tài khoản cho khách hàng.
Ngân hàng bán lẻ chứng tỏ vai trò của mình trong 3 năm trở lại đây. Với Vietcombank, VietinBank - huy động vốn từ bán lẻ chiếm hơn 50%; dịch vụ chiếm từ 12- 15%; các ngân hàng nhỏ hơn huy động vốn chiếm hơn 80%, thu từ dịch vụ bán lẻ chiếm hơn 20%...
Là một trong những ngân hàng mới thành lập nhưng LienVietPostBank sớm đưa ra được hướng đi cho riêng mình là tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, trong đó chủ yếu là cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Một chuyên gia ngân hàng bình luận, trong khi các lĩnh vực từng rất “hot” như bất động sản, chứng khoán, thậm chí cả sản xuất hàng hóa giờ vẫn nguội lạnh, nhiều món vay trong các lĩnh vực này đã trở thành nợ khó đòi thì tín dụng cho bán lẻ vẫn tăng trưởng tốt, với tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Trước đây, các ngân hàng thường chỉ chú trọng đến khách hàng có dự án lớn, hàng nghìn tỷ, song đến thời điểm này những món vay nhỏ, vòng quay vốn nhanh lại là tâm điểm của các NHTM trong cấp tín dụng. Nhiều ngân hàng nhận ra rằng, tập trung phát triển thị trường bán lẻ là cứu cánh của ngân hàng.
Cùng với đó, các NH bắt đầu tìm cách thâu tóm công ty tài chính để có thể nhanh chóng mở rộng thị phần bằng con đường tắt, thay vì thành lập công ty tài chính hoặc mở rộng mạng lưới cho vay nhỏ lẻ.
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt NHTM trong nước đã và đang lên kế hoạch mua lại công ty tài chính nhằm hướng tới thị trường cho vay tiêu dùng nhiều tiềm năng. HD Bank, SHB, MaritimeBank,… đều đang có kế hoạch này.
N.N (Tổng hợp)