Tín dụng cho vay BĐS... vẫn ế!

(Kinhdoanhnet) - Bên cạnh những nỗ lực giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng, vay mua nhà ở xã hội với lãi suất 5%/năm, nhiều ngân hàng thường xuyên tung ra các sản phẩm tín dụng có mức lãi suất cực rẻ. Tuy nhiên, các gói này thực tế giải ngân vẫn khá chậm, lượng tín dụng tồn kho vẫn còn nhiều.

Tín dụng cho vay BĐS... vẫn ế! - Ảnh 1
Tín dụng cho vay BĐS... vẫn ế!

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho biết, tổng dư nợ cho vay đầu tư bất động sản tính đến cuối năm 2013, chỉ dừng ở con số khoảng 262.000 tỷ đồng và chiếm 8% tổng dư nợ. Nhưng đến nay, so với cuối năm 2013, dư nợ tín dụng bất động sản đã tăng khoảng 11,5%, nghĩa là cao hơn mức bình quân tăng trưởng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Điều này là đáng mừng, tuy nhiên, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, phân tích tín dụng bất động sản tuy có tăng trưởng hơn trước, tuy nhiên, không đủ sức kéo tăng trưởng tín dụng của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Đồng thời, sự tăng trưởng tín dụng của bất động sản cũng không đủ lực để làm thị trường này "ấm nóng".

Theo ông Hiếu, nguyên nhân chính là do thu nhập của người dân rất thấp nên dù có giảm giá BĐS, giảm lãi suất thì người dân vẫn không thể đáp ứng được điều kiện để mua nhà. Hơn nữa, hiện thời hạn vay mua nhà ở tại các ngân hàng vẫn còn ít. Chủ yếu dòng vốn đi vào ngân hàng là ngắn hạn. Cụ thể, tiền gửi từ sáu tháng đến một năm chiếm tỉ lệ lớn, còn gửi 2-3 năm thường không nhiều.

Vì lý do trên, ngân hàng muốn kéo dài thời hạn vay lên 30-40 năm là rất khó. Muốn giải quyết được khó khăn này, theo ông Hiếu, vấn đề nằm ở Chính phủ. Thu nhập của người dân làm sao có thể nâng cao. Khả năng trả nợ của người dân chỉ được đảm bảo khi gốc và lãi vay phải trả hàng tháng cho ngân hàng không được quá 50% thu nhập.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở mới giải ngân được hơn 10%, khoảng trên 3.000 tỷ đồng trên phạm vi toàn quốc. Riêng tại TP. HCM, số tiền giải ngân là 709 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 1.192 khách hàng cá nhân với 344 tỷ đồng. Tính ra bình quân mỗi khách hàng cá nhân được vay 400 - 600 triệu đồng/người.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/2014/NQ-CP (ngày 21/8/2014) nhằm tháo gỡ những khó khăn trong giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, như mở thêm đối tượng khách hàng được vay là cán bộ công nhân viên chức vay để xây nhà trên đất có sẵn; chủ nhà trọ vay để xây nhà trọ cho thuê; người dân vay mua căn hộ, nhà đất có giá dưới 1,05 tỷ đồng; cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; thời gian vay kéo dài từ 10 năm lên 15 năm; lãi suất khoản vay chỉ còn 5%/năm… Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của gói tín dụng này vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản muốn bán hàng, ngân hàng muốn bơm vốn. Vì thế, ngân hàng và doanh nghiệp đã liên kết với nhau, sẵn sàng tung hàng khi có khách để làm được điều này. Đơn cử, trong vòng 12 tháng đầu khi mua nhà, có ngân hàng hỗ trợ mức lãi suất vay ưu đãi 5%/năm. Có khi lãi suất chỉ 0% trong vòng một năm khi mua chung cư. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng thường xuyên có những gói tín dụng khác nhau để thu hút khách hàng và cạnh tranh, dành cho người mua nhà, sửa nhà, xây nhà... với mức lãi suất ngày càng hấp dẫn và ưu đãi nhiều thứ. 

Có ngân hàng tung ra gói vay mua nhà lãi suất thấp với điểm nhấn là khách hàng chưa phải trả nợ gốc trong vòng ba tháng tính từ thời điểm giải ngân lần đầu. Thậm chí, có ngân hàng tung ra gói nghìn tỷ với lãi suất chỉ 0,68%/tháng, mức lãi suất này được cố định trong 30 tháng đầu, đặc biệt là thanh toán trước hạn sẽ không phải chịu phí phạt.

Việc mua nhà chậm lại do rào cản thủ tục giấy tờ nên có ngân hàng đã cải thiện bằng cách cung cấp giải pháp phê duyệt trước hạn mức vay mà chưa cần tài sản bảo đảm. Cụ thể, đầu tiên khách hàng chỉ cần đưa ra giấy tờ về vị trí và đơn vị công tác là được, không cần sao kê thu nhập, bảng lương đã có thể được cấp hạn mức tín dụng...

Theo nhiều ngân hàng, dư nợ cho vay mua nhà tại các ngân hàng hiện chiếm 25%-30% trong tổng dư nợ cho vay cá nhân. Một vị lãnh đạo ngân hàng tại Tp.HCM cho biết, hiện nay, các chương trình cho vay mua nhà của ngân hàng, doanh nghiệp không phải nhằm quảng bá thương hiệu mà thực sự họ muốn giải ngân và bán sản phẩm. Nhưng số lượng bất động sản tồn kho và tiền trong ngân hàng vẫn chồng chất.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo ĐTCK, Pháp luật TP. HCM)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục