Tín dụng BĐS sẽ khó có sự đột biến trong năm 2015
Mới đây, trong nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2015, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho bất động sản, tạo điều kiện cho thị trường phục hồi và phát triển lành mạnh, thực chất. Bên cạnh đó cần phải chủ động kiểm soát chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng “bong bong” bất động sản như mấy năm trước đây.
Thực tế cho thấy, thị trường BĐS trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Qua số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, lượng bất động sản tồn kho BĐS tính đến ngày 20/3 giảm gần 58 nghìn tỷ đồng so với quý I/2013, còn khoảng trên 70,7 nghìn tỷ đồng. Còn dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tính đến 31/1 đạt 316.578 tỷ đồng, tăng 20,7% so với thời điểm 31/12/2013 và tăng 4,8% so với thời điểm 31/12/2014, tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 1/2015 là 5,94%.
Đặc biệt, lượng giao dịch bất động sản trong tháng 3/2015 và quý 1 năm 2015 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tại Hà Nội, trong tháng 3 có khoảng 1.500 giao dịch thành công, tăng 25% so với tháng 2. Cả quý I/2015 có 4.250 giao dịch thành công, gấp gần 3 lần số giao dịch thành công của quý I/2014. Còn tại Tp.HCM, số giao dịch thành công cũng đạt ở mức cao 3.950 giao dịch trong quý 1/2015 tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, riêng tháng 3 đạt 1400 giao dịch.
Hiệu ứng tăng trưởng tín dụng bất động sản được nhiều chuyên gia dự báo sẽ mạnh hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng tín dụng cho BĐS sẽ khó có sự đột biến trong năm nay. "Với tình hình năm 2014, thị trường BĐS đã có sự khởi sắc đáng kể, việc ngân hàng sẵn sàng giải ngân là rất hợp lý và hy vọng năm nay sẽ ghi nhận đáng kể nguồn vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể kỳ vọng rằng, hoạt động tín dụng BĐS có sẽ sự tăng trưởng đột biến bởi bên cạnh sự phụ thuộc vào triển vọng của các dự án BĐS, một yếu tố quan trọng nữa là khả năng hấp thụ vốn của thị trường.", Giám đốc bộ phận định giá & tư vấn tài chính Savills Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nhận định.
Dấu hiệu tích cực từ thị trường BĐS là nguyên nhân thu hút mạnh dòng tín dụng. Trong thời gian gần đây, thị trường BĐS cũng đã đón nhận rất nhiều những chính sách và quy định góp phần làm thị trường ấm lên như gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, Luật Nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, lượng kiều hối tăng liên tục trong những năm gần đây đã tiếp thêm nguồn vốn lớn cho thị trường. Năm 2014, lượng kiều hối ước tính khoảng 12 tỷ USD, trong đó có khoảng 1,5 tỷ USD kiều hối được dùng để mua nhà đất…
Việc mới đây Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các TCTD đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để người có nhu cầu về nhà ở được vay vốn là điểm tích cực đối với loại hình tín dụng lĩnh vực này trong thời gian tới.
Ngay từ đầu năm 2015, nhiều ngân hàng liên tục đưa ra chương trình cho vay mua nhà ưu đãi lãi suất bên cạnh các chủ đầu tư bất động sản khởi động sớm. Đồng thời, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều gói hỗ trợ cho vay tiêu dùng. Từ đầu năm mới, thị trường đã diễn ra cuộc chạy đua tăng trưởng tín dụng.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 2 tháng đầu năm mới, tăng trưởng tín dụng đạt 0,68%. Hiện tại, dù nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục nhưng nhu cầu vay tiêu dùng đầu tư vẫn đang ở mức khá thấp. Vì thế, hầu hết các ngân hàng đang phải lao vào cuộc đua tìm kiếm khách hàng. Trên cơ sở đó, lãi suất có có thể tiếp tục giảm và khách hàng được lợi. Điều đó được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ, Infonet)