Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất, đồng thời là cơ hội để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và người cao tuổi. Tết kéo dài trong 3 ngày.
Đặc biệt, mỗi người Hàn Quốc sẽ thêm một tuổi mới khi họ đón Tết Nguyên đán thay vì thêm một tuổi mới vào ngày sinh nhật như thông lệ quốc tế.
Trong ngày Tết, mọi người sẽ mặc trang phục truyền thống (được gọi là hanbok) và trẻ em thể hiện sự kính trọng với người cao tuổi bằng cách cúi chào (được gọi là seh bae). Trẻ em cũng nhận được tiền lì xì và lời chúc.
Sau seh bae, mọi người ăn các món truyền thống như mandu (bánh xếp Hàn Quốc) và dduk-guk (súp bánh gạo thái mỏng). Các món ăn ngày Tết khác bao gồm mandu-guk (súp bánh bao), galbijjim (sườn bò om), japchae (mì thủy tinh) và ddeok (bánh gạo).
Người Hàn Quốc cũng chơi một số trò chơi dân gian để đón băm mới và cầu may, như chơi que gỗ (Yut Nori) và thả diều (yeonnalligi).
Indonesia
Dù là một trong những quốc gia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, tại Indonesia, người dân vẫn coi Tết Nguyên đán là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm. Đặc biệt là tại thành phố Singkawang, đảo Borneo, nơi có 70% dân số là người gốc Hoa và được mệnh danh là “Phố Tàu của Indonesia”.
Tại Indonesia, Tết Nguyên đán còn gọi là Imlek, được tổ chức vào ngày 1/1 Âm lịch hàng năm giống với Việt Nam hay Trung Quốc. Từ năm 2002, Indonesia công nhận Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ quốc gia của đất nước Hồi giáo này.
Vào dịp Tết Nguyên đán, người dân Indonesia cũng tất bật dọn dẹp nhà cửa, trang trí nhà cửa bằng hoa, đèn lồng, câu đối... Những chiếc đèn lồng đỏ rực trên đường phố là hình ảnh phổ biến báo hiệu đất nước này đang tổ chức đón Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, người dân thường sơn lại cửa sổ, cửa ra vào và dán chữ “Phúc” bằng tiếng Hán trước cửa. Theo quan niệm truyền thống, vào thời khắc Giao thừa, thần tài sẽ tới thăm từng nhà nên những cánh cửa cần được trang trí thật đẹp. Nhiều người mở rộng cửa nhà trong đêm Giao thừa với hy vọng mọi tài lộc, may mắn sẽ thu hút vào nhà.
Sau khi xem pháo hoa hoặc múa lân, người dân thường đi chùa cầu bình an, đi chúc Tết họ hàng, làng xóm. Trong những ngày Tết, họ thường ăn bánh tổ, một món bánh truyền thống có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bánh tổ được chế biến từ bột gạo nếp, thường dùng để cúng lễ hoặc làm món tráng miệng.
Trung Quốc
Tết Nguyên đán hay Tết Âm lịch là những ngày lễ tết quan trọng nhất trong năm đối với người Trung Quốc. Tuy đã bỏ lại nhiều tập tục dân gian cổ xưa cho phù hợp với nếp sống hiện đại, nhưng ngày Tết cổ truyền vẫn rất ý nghĩa với người dân nước này. Nhiều nét truyền thống cũ được người đời sau gìn giữ và kế thừa, tạo nên màu sắc của ngày Tết có sự giao thoa giữa cái cũ và mới.
Để chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này, người Trung Quốc thường trang hoàng nhà cửa với màu đỏ chủ đạo như treo câu đối đỏ, đèn lồng đỏ, dán giấy đỏ, treo chữ Phúc ngược với ngụ ý "Phúc đáo" (Phúc đến nhà). Đến Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán, du khách sẽ thấy tràn ngập màu sắc ấm nóng này.
Bữa cơm đoàn viên vào đêm Giao thừa là thời khắc rất quan trọng với mọi thành viên gia đình. Ai ở đâu xa quê cũng cố về đoàn tụ trong ngày họp mặt lớn nhất của năm.
Mâm cơm ngày Tết không thể thiếu món bánh sủi cảo vốn là món ăn truyền thống của người Hoa. Đây là món ăn may mắn trong dịp năm mới vì những chiếc sủi cảo có hình dáng giống thỏi tiền vàng từng dùng vào thời phong kiến. Nhiều gia đình còn cho tiền xu vào trong bánh rồi hấp lên. Nếu ai ăn trúng chiếc bánh có nhân chứa tiền xu, được coi sẽ gặp may mắn cả năm.
Malaysia
Với gần 1/4 dân số Malaysia là người gốc Hoa, Tết Nguyên đán ở đây rất hoành tráng và sôi động. Cùng với phong tục trang trí, múa rồng và họp mặt gia đình trong Tết kéo dài hai tuần, một thông lệ độc đáo diễn ra vào ngày cuối cùng của lễ hội Chap Goh Mei (tiếng Phúc Kiến có nghĩa là đêm thứ 15 của Tết nguyên đán) dành riêng cho những cô nàng độc thân, còn được coi là ngày Valentine của người Malaysia gốc Hoa.
Tương truyền vào Tết nguyên tiêu (15.1 âm lịch), những cô gái chưa lập gia đình sẽ đến tham dự và ném những quả quýt có ghi ước nguyện của mình xuống biển. Các thiếu nữ ném quýt xuống biển với niềm tin nếu vớt được quýt sẽ lấy được tấm chồng tốt.
Vào ngày này, quýt được bày bán rộng rãi tại Penang Esplanade ở George Town. Nhiều người - bất kể tuổi tác, có hoặc chưa có người yêu - mua một quả để viết lên đó một điều ước, thậm chí tên và số điện thoại di động, rồi ném xuống biển. Đôi khi, các cuộc thi vớt quýt cũng được tổ chức.
Philippines
Khi đồng hồ điểm thời khắc giao thừa ở Philippines, cả trẻ em lẫn người lớn sẽ nhảy lên vì tin rằng điều đó sẽ khiến họ cao lớn hơn.
Các gia đình cùng nhau tổ chức một bữa tiệc đêm giao thừa để ăn mừng một năm thịnh vượng sắp tới. Trên bàn thường bày đầy trái cây theo hình tròn - truyền thống bắt nguồn từ Trung Quốc - bởi hình dạng này tượng trưng cho sự may mắn.
Những món ăn ngày Tết Nguyên đán ở Philippines thường làm từ gạo nếp như bánh ngọt biko, bánh gạo nướng bibingka và bánh nếp nian gao. Chúng được cho là giúp gắn kết mọi người với nhau. Người Philippines cũng thưởng thức pancit (mì sợi dài) để mong khỏe mạnh, trường thọ và may mắn cho năm tới.
Mọi người thường mặc trang phục chấm bi, đốt pháo hoa để đuổi tà, bật đèn, mở cửa và không tiêu tiền vào ngày đầu tiên của năm mới để tránh "thất thoát tài chính".
Thái Lan
Thái Lan là một trong những quốc gia có người Hoa kiều sinh sống lớn nhất thế giới với hơn 40% dân số là người gốc Hoa. Do đó, Tết Nguyên đán, trong tiếng Thái gọi là Wan Trut Jin, được tôn vinh và tổ chức rộng rãi, bên cạnh ngày Songkran (Tết Thái).
Nếu như Tết Nguyên đán được tổ chức vào ngày 1/1 Âm lịch thì Tết Thái được tổ chức vào ngày 13/4.
Tại thủ đô Bangkok, các lễ hội chào mừng Tết Nguyên đán được tổ chức tại Khu phố Tàu Yaowarat. Đường phố được trang trí bằng hoa tươi, đèn lồng, biến một góc phố trở nên đỏ rực trong ngày lễ.
Thành viên của hoàng gia Thái Lan đôi khi cũng tham dự sự kiện đón năm mới tại Bangkok để chung vui cùng người dân cả nước.
Giống như cách tổ chức Tết Nguyên đán ở nhiều quốc gia châu Á khác, người dân Thái Lan cũng dọn dẹp, trang trí nhà cửa và nấu những món ăn truyền thống trước thềm năm mới.
Trong dịp lễ, họ hạn chế cãi nhau vì những ngôn từ tiêu cực sẽ mang lại điều xui xẻo; đồng thời, không dọn dẹp nhà cửa vì sợ cuốn trôi tài lộc, thịnh vượng trong năm mới.
Campuchia
Dân số gốc Hoa của Campuchia là một trong những dân số nhỏ hơn ở Đông Nam Á, chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng dân số của đất nước. Mặc dù vẫn được tổ chức trên khắp đất nước, nhưng lễ đón Tết Nguyên đán của người Campuchia gốc Hoa ít có đám đông khổng lồ và các cuộc diễu hành xa hoa.
Người Campuchia gốc Hoa trang trí nhà cửa, họp mặt gia đình trong các bữa ăn truyền thống và thăm các ngôi đền dân gian của người Hoa để tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
Các lễ hội năm mới phổ biến hơn diễn ra vào giữa tháng 4 trong ba ngày mừng năm mới của người Khmer (địa phương gọi là Chol Chnam Thmay), đánh dấu sự kết thúc của mùa thu hoạch.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết