Tiếp cận vốn vay bảo lãnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

(Kinhdoanhnet)- Việc ra đời quỹ bảo lãnh tín dụng từ năm 2001 đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của DN. Tuy nhiên, hoạt động của quỹ cho đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn các quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương hoạt động đơn điệu, rời rạc, chưa thực sự tạo được lợi thế mà chính sách đưa ra, cũng như chưa giải quyết được vấn đề hỗ trợ DN. Ngoài ra, quy mô bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng ở Trung ương cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn rất hạn chế.

Quỹ bảo lãnh tín dụng còn nhiều bất cập

Một trong những khó khăn nhất của doanh nghiệp (DN) hiện nay là thiếu vốn nhưng không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng (NH) do thiếu tài sản bảo đảm. Nhiều DN đã tìm đến quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhưng chỉ “đến rồi về” bởi các quỹ đang yếu cả về quy mô lẫn tiềm lực.

Bên cạnh việc góp phần tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng để duy trì, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế.

Tiếp cận vốn vay bảo lãnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn - Ảnh 1

Hiện nhiều quỹ còn chưa đủ vốn điều lệ, các ngân hàng thương mại lại chưa tích cực tham gia góp vốn. Bản thân các quỹ cũng chưa thu hút được sự đóng góp của các DN trên địa bàn. Có địa phương có nhu cầu thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng chưa bố trí nguồn để thành lập, có nơi đã thành lập quỹ nhưng nguồn vốn nhỏ, không bổ sung vốn điều lệ…

Để tháo gỡ khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc sử dụng nguồn thu cổ phần hóa từ các DN địa phương (phần phải nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN) để tăng cường nguồn lực tài chính quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương.

Khó lập quỹ tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Để đẩy mạnh vốn tín dụng ra nền kinh tế là một thách thức lớn do khả năng hấp thụ vốn của khu vực sản xuất rất hạn chế. Các NH thương mại nhận định 2 đối tượng khách hàng quan trọng hiện nay là DN nhà nước và DN nhỏ và vừa đều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước là một biện pháp hữu hiệu được tiến hành phổ biến ở nhiều nền kinh tế trên thế giới. Nhưng trong thời điểm hiện tại, DN nhà nước đang trong quá trình tái cơ cấu không thể mở rộng sản xuất.

Tiếp cận vốn vay bảo lãnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn - Ảnh 2

DN nhỏ gặp phải khó khăn thiếu nguồn vốn phục vụ tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Phần lớn các DN này vẫn phải tự tìm cách xoay xở bằng nguồn vốn tự có, hoặc đi vay mượn bên ngoài là chính. Cũng bởi, DN nhỏ thì phần lớn có khó khăn về tài sản thế chấp, trong khi sổ sách và giấy tờ ở đa số trường hợp là không mấy rõ ràng. Các DN đang co cụm lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Trong khi đó, bản thân các NH đang bị nợ xấu ngáng đường không thể tăng trưởng tín dụng dễ dãi.

Không ít NH đang nỗ lực cho vay tín chấp dựa vào bảng xếp hạng tín nhiệm. Về nguyên tắc, cho vay tín chấp vẫn phải thẩm định chặt chẽ năng lực trả nợ nên trong bối cảnh DN vẫn bí đầu ra, kinh tế chưa hồi phục mạnh mẽ thì cho vay tín chấp cũng còn nhiều kết quả hạn chế khi NH vẫn bị ám ảnh bởi nợ xấu. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc đẩy mạnh tín dụng vào sản xuất thông qua kênh dẫn vốn là các quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ có hiệu quả nếu các quỹ này được vận hành tốt.

Thông thoáng, khả thi hơn

Để cơ chế bảo lãnh tín dụng thực sự hỗ trợ khó khăn về vốn cho DNNVV trước hết cần bổ sung tiềm lực tài chính cho quỹ dự phòng và sửa đổi quy chế.

Bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý để các bên quan hệ bảo lãnh có điều kiện minh bạch trong thực hiện, cần có cơ chế để thúc đẩy phát triển các quỹ bảo lãnh tín dụng cả về quy mô, chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu bảo lãnh của các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất - kinh doanh của DNNVV. Bản thân DN cũng cần nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động bảo lãnh.

Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất với Chính phủ các giải pháp mới nhằm thực hiện có hiệu quả hơn cơ chế bảo lãnh tín dụng đối với DNNVV, như các ngân hàng thương mại phối hợp với VDB triển khai thực hiện cơ chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn. Theo đó, VDB sẽ bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của DNNVV thuộc đối tượng được bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng thương mại, với mức cho vay tối đa bằng 85% tổng mức vốn đầu tư của dự án.

Thế Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục