Không chỉ các đại gia bán lẻ, nhiều nhãn hàng có tiềm lực tài chính mạnh cũng không bỏ qua cơ hội thu gom những vị trí tốt như ý muốn mà trước đây họ chưa bao giờ chen chân được vào các cuộc đấu giá thuê tại mặt bằng phố tại Tp.HCM.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trong làn sóng thứ 4 và đặc biệt kéo dài, thậm chí diễn biến đến nay vẫn vô cùng phức tạp. Điều này dù gây áp lực cho việc kinh doanh, mặt khác lại đang mở ra những cơ hội đầu tư lớn cho nhiều đơn vị trong giai đoạn thấp điểm: đặc biệt là công cuộc săn đón mặt bằng giá rẻ.
Chúng ta từng chứng kiến việc ồ ạt tìm kiếm mặt bằng của các đại gia bán lẻ khi giá thuê giảm mạnh trong đợt bùng phát dịch lần thứ nhất vào năm 2020, thì hôm nay cuộc đua đó đang trở lại và sôi động hơn.
Dẫn đầu ngành điện thoại – điện máy khi chiếm đến 40% thị phần, Thế giới Di động (MWG) những năm gần đây đang dốc sức cho Bách Hoá Xanh: Một cuộc chơi tương tự tương ngành bán lẻ thực phẩm. Với phương châm mở rộng độ phủ, giành trực tiếp thị phần từ tay các chợ truyền thống, Bách Hoá Xanh liên tục đốt tiền cho công cuộc mở mới cửa hàng.
Năm 2020, bất chấp dịch bệnh Covid-19, Bách Hoá Xanh mở mới hơi 700 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng toàn chuỗi tính đến cuối năm lên đến 1.719 đơn vị. Dù ảnh hưởng không ít do đại dịch, phía MWG vẫn khẳng định mạnh mẽ cơ hội giành được mặt bằng giá tốt giữa Covid-19.
Sang năm 2021, Công ty dự kiến mở mới 1.000 cửa hàng. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, Bách Hoá Xanh đã mở được 200 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng của chuỗi lên mức 1.919 đơn vị. Trong lần chia sẻ gần đây, đại diện Bách Hoá Xanh cho biết sẽ không điều chỉnh kế hoạch đã đề ra, tận dụng cơ hội giá thấp để có được mặt bằng giá hời.
Trên fanpage chính thức, Bách Hoá Xanh cũng công bố rộng rãi động thái tìm kiếm mặt bằng mới. "Thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ, ai ở đâu thì ở yên đó, Bách Hóa Xanh vẫn tiếp xúc làm việc với quý đối tác ở đâu có mặt bằng để không, để trống, hoặc cần sang nhượng qua hình thức online.
Quý đối tác hãy liên hệ cùng Bách Hóa Xanh để lên phương án tháo gỡ và giải quyết sớm các mặt bằng để không, để trống, cần sang nhượng.
Những khó khăn lo lắng về lãng phí, kinh doanh không ổn định của quý khách hãy để Bách Hóa Xanh lo. Các anh chị cứ vững tinh thần chung tay cùng cộng đồng chiến thắng đại dịch.
Bạn có mặt bằng đang để không - Cho Bách Hóa Xanh thuê ngay nhé!", thông báo cho hay.
Dù rằng ở diễn biến khác, Công ty cũng liên tục đề nghị các đơn vị cho thuê hiện hữu giảm/miễn tiền thuê trong bối cảnh nhiều cửa hàng bị tạm đóng do giãn cách. Chi tiết, MWG vừa đề nghị được giảm 70-100% tiền thuê mặt bằng đối với các cửa hàng TGDĐ/ĐMX đang tạm đóng cửa cũng như hạn chế để phòng chống Covid-19. Trước đó, vào cuối tháng 6/2021, chuỗi Bách Hoá Xanh cũng đã có công văn gửi đến đối tác mặt bằng, đề nghị giảm 50% chi phí thuê mặt bằng trong 1 năm để chia sẻ khó khăn.
Không ngoài cuộc chơi, chuỗi VinMart & VinMart thuộc Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng liên tục đăng tin tìm kiếm mặt bằng kinh doanh.
"Do nhu cầu phát triển kinh doanh, Hệ thống siêu thị VinMart & chuỗi cửa hàng VinMart cần tìm thuê các mặt bằng có diện tích từ 90m2 trở lên, bề ngang tối thiểu 6m (ưu tiên các mặt bằng có diện tích từ 120m2 - 150m2)", Vinmart thông báo trên fanpage chính thức.
Trong đó, các tiêu chí phía Masan đưa ra bao gồm thời gian thuê tối thiểu 5 năm; khu vực giao thông thuận tiện, vỉa hè rộng; hồ sơ pháp lý rõ ràng, không tranh chấp; giá thuê theo mặt bằng chung. Với mặt bằng dành cho Vinmart, các mặt bằng cần có diện tích từ 800m2 trở lên, mặt tiền tối thiểu 20m và nằm tại tầng trệt hoặc tầng B1 (nếu mặt bằng nằm trong TTTM), ưu tiên mặt bằng có đủ hệ thống PCCC, xử lý nước thải, có lối giao nhận hàng riêng cho xe tải…
Về Vinmart/Vinmart , nửa đầu năm hưởng lợi từ nhu cầu tích trữ lương thực tăng cao giữa đại dịch, cùng với xu hướng cao cấp hoá hàng tiêu dùng… chuỗi ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến cuối quý 2/2021, Vimcommerce (VCM) có 2.369 cửa hàng VinMart/VinMart , tăng so với cuối năm 2020. Trong đó, bên cạnh việc cắt giảm cửa hàng không hiệu quả, VinMart đã mở mới 73 cửa hàng.
Lên kế hoạch cho năm 2021, ban lãnh đạo chủ trương duy trì mục tiêu VinCommerce sẽ mở 300-700 cửa hàng (sau khi trừ các cửa hàng đóng cửa) vào năm 2021 - chủ yếu là siêu thị mini. Song song, Masan cũng đặt kế hoạch có hơn 1.000 kiosk Phúc Long tại các điểm bán của VCM. Được biết, Kiosk Phúc Long theo mô hình cửa hàng trong cửa hàng đã thúc đẩy lưu lượng khách và gia tăng lợi nhuận của VinMart : tính đến 21/7 có 41 kiosk Phúc Long đã đi vào hoạt động.
Nhảy vào cuộc chơi bán lẻ và tiên phong trong xu hướng hiện đại, Masan trong chiến lược phát triển mới giai đoạn 2021-2025 sẽ sở hữu 300 siêu thị VinMart, 10.000 cửa hàng VinMart khắp 63 tỉnh thành. Như vậy, Công ty không thể bỏ qua cơ hội có được mặt bằng vị trí tốt với mức giá hấp dẫn trong bối cảnh hiện nay.
Khi mà, thay vì tăng khoảng 8-10% như trước kia, hiện nay giá thuê mặt bằng thậm chí giảm 20-30%, Savills ghi nhận. Tỷ lệ tăng giá hằng năm cũng giảm từ trung bình tăng 8% mỗi năm nay chỉ còn 5% mỗi năm, khiến tổng giá trị của một chu kỳ thuê của một bất động sản thương mại giảm đáng kể.
Không chỉ các đại gia bán lẻ, nhiều nhãn hàng có tiềm lực tài chính mạnh cũng không bỏ qua cơ hội thu gom những vị trí tốt như ý muốn mà trước đây họ chưa bao giờ chen chân được vào các cuộc đấu giá thuê tại mặt bằng phố tại Tp.HCM.
Trong thời gian này, Savills cho biết đã nhận được nhiều yêu cầu tìm kiếm đối tác hợp tác, mặt bằng đầu tiên cho gia nhập thị trường đến từ các ngành hàng chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe, thể dục thể thao fitness, gym từ Singapore với mục tiêu 10 chi nhánh mới.
Một cuộc săn đón không kém phần khốc liệt cũng đang diễn ra với mặt bằng tại các TTTM. Được biết, hiện nay mặt bằng thuê tại các TTTM đang giảm giá 20-50% tùy ngành hàng vào những tháng thấp điểm lượng khách mua sắm; song song miễn phí tiền thuê, miễn phí phí dịch vụ hoặc giảm 50% phí dịch vụ trong suốt thời gian giãn cách các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa theo quy định Chính phủ.
Ghi nhận, Muji vừa qua đã khai trương cửa hàng mới tại Vincom Center Metropolis (Hà Nội). Tháng 4/2021, ông lớn Nhật khác là Uniqlo cũng vận hành mới cửa hàng tại Vincom Plaza Phan Văn Trị, thay vì động thái co hẹp như các đơn vị khác. Hay Pandora, đầu năm nay thương hiệu đã mở thêm 1 cửa hàng mới tại Vincom Center Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) sau khi đã khai trương 2 cửa hàng liên tiếp trong những ngày cuối tháng 12/2020…
Không chỉ tranh thủ giá rẻ, thực tế việc "xí" chỗ của những đại gia bán lẻ còn được thúc đẩy trong bối cảnh nguồn cung đang dự báo chững lại trong thời gian tới. Theo tính toán của bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận nghiên cứu - tư vấn Savills Việt Nam, trong năm 2022, diện tích mặt bằng ra mắt sẽ chỉ khoảng 132.000m2. Như vậy, các thương hiệu khả năng cao sẽ "bung sức" trong năm nay để chiếm trước địa điểm kinh doanh trước khi đầu ra bị bó hẹp.
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết